Công tác kiểm tra, giám sát chủ động “ mở đường”đi trước, kịp thời ngăn ngừa vi phạm
Lượt xem: 300

Đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư phát biểu tại Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống Ngành Kiểm tra Đảng (12/10/2018).

Cách đây 75 năm, ngày 16-10-1948, xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ xây dựng Đảng và giữ gìn kỷ cương, kỷ luật trong Đảng, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã quyết định thành lập Ban Kiểm tra Trung ương - Cơ quan kiểm tra chuyên trách đầu tiên của Đảng - Một sự kiện có ý nghĩa trọng đại đối với Ngành Kiểm tra của Đảng.

Được sự quan tâm lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương, trực tiếp là Chủ tịch Hồ Chí Minh, các đồng chí Tổng Bí thư và các cấp ủy, sự nỗ lực không ngừng của chính mình, Ngành Kiểm tra của Đảng đã từng bước xây dựng và trưởng thành.

Trong quá trình 75 năm lịch sử vẻ vang đó, cùng với toàn Đảng, toàn quân và toàn dân, Ngành Kiểm tra của Đảng đã có những đóng góp quan trọng cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, trực tiếp góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng, giữ vững kỷ cương, kỷ luật, đoàn kết, thống nhất trong Đảng, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Đặc biệt là trong thời kỳ đổi mới, Đảng lãnh đạo đất nước trong bối cảnh, điều kiện hoàn toàn mới, chưa từng có tiền lệ trong lịch sử. Thấm nhuần lời di huấn thiêng liêng của Bác: Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạngthật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân.1, Đảng đã quyết tâm, tập trung xây dựng, chỉnh đốn Đảng, để Đảng luôn trong sạch, vững mạnh, đủ sức lãnh đạo nhân dân ta đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, đưa nước ta trở thành nước phát triển vào giữa thế kỷ 21 này. Ngành Kiểm tra bước vào thời kỳ mới với những thuận lợi và cả những thách thức to lớn.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội XII và XIII của Đảng và Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI và khoá XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, những năm qua, Ủy ban Kiểm tra Trung ương và ủy ban kiểm tra các cấp đã triển khai, thực hiện toàn diện các nội dung công tác, hoàn thành khối lượng công việc rất lớn; chất lượng, hiệu quả kiểm tra, giám sát từng bước được nâng cao, trong đó có nhiều vụ việc khó, phức tạp, nghiêm trọng.

Trên cơ sở các quy định của Đảng và căn cứ tình hình thực tế, Ủy ban Kiểm tra Trung ương và ủy ban kiểm tra các cấp đã đề xuất với Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các cấp ủy xử lý thi hành kỷ luật nhiều tổ chức đảng, đảng viên vi phạm, trong đó có cả những đồng chí từng giữ cương vị cao của Đảng, Nhà nước, cả cán bộ đương chức, nghỉ hưu, bảo đảm công minh, chính xác, kịp thời, “thấu tình, đạt lý”; góp phần quan trọng đấu tranh, ngăn chặn suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, lợi ích nhóm. Công tác kiểm tra đảng đã góp phần rất quan trọng giữ vững kỷ luật, kỷ cương, sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng; củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng và chế độ, phục vụ thiết thực sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Chào mừng kỷ niệm 75 năm Ngày Truyền thống Ngành Kiểm tra Đảng, cấp ủy, UBKT các cấp tổ chức nhiều hoạt động thi đua thiết thực và ý nghĩa. Trong ảnh: Đảng ủy Công an tỉnh Hà Nam tổ chức Hội thi cán bộ kiểm tra cơ sở giỏi năm 2023.

Kỷ niệm ngày truyền thống Ngành Kiểm tra của Đảng là dịp tốt để chúng ta ôn lại truyền thống vẻ vang, những thành tựu mà Ngành Kiểm tra đã đạt được trong 75 năm qua để tiếp tục phát huy. Đồng thời, khắc phục những hạn chế, khuyết điểm nhằm thực hiện có hiệu quả, hiệu lực công tác kiểm tra, giám sát trong thời gian tới. Cùng với việc tiếp tục quán triệt, thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI và khoá XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Kết luận số 34-KL/TW, ngày 18/4/2022 của Bộ Chính trị về Chiến lược công tác kiểm tra, giám sát của Đảng đến năm 2030 và các văn bản của Đảng về công tác kiểm tra, giám sát; quán triệt sâu sắc chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư đối với công tác kiểm tra, giám sát; tôi xin trao đổi với các đồng chí một số kinh nghiệm với mong muốn góp phần tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát trong tình hình hiện nay.

Thứ nhất, thấm nhuần chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng ta luôn xác định xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt có ý nghĩa sống còn đối với Đảng và sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta. Công tác kiểm tra là một bộ phận quan trọng trong công tác xây dựng Đảng; là một trong những chức năng lãnh đạo của Đảng, muốn lãnh đạo thì phải kiểm tra, không kiểm tra coi như không lãnh đạo.

Để thực hiện được điều đó trên thực tế, cần chủ động xây dựng chương trình công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp trong toàn khoá, từng năm theo đúng phương châm giám sát phải mở rộng, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm”. Trong đó, quan trọng nhất là xác định đúng đắn trọng tâm, trọng điểm kiểm tra và phạm vi giám sát phù hợp trong chương trình toàn khóa và từng năm, bảo đảm đáp ứng yêu cầu lãnh đạo của Đảng trong từng thời kỳ. Cần chú ý tránh dàn trải, hình thức hoặc mở rộng quá mức, gây quá tải công việc cho cả cấp ủy, ủy ban kiểm tra tiến hành chương trình và cả cấp dưới là đối tượng kiểm tra, giám sát. Mục tiêu của công tác kiểm tra là nhằm xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh, góp phần tạo môi trường lành mạnh cho công cuộc phát triển đất nước.

Thứ hai, công tác kiểm tra, giám sát của Đảng phải được tiến hành chủ động, đi trước một bước, toàn diện, công khai, dân chủ, thận trọng và chặt chẽ. Trong đó, lấy phòng ngừa, xây là chính; bảo đảm kịp thời ngăn ngừa vi phạm, giữ gìn kỷ luật, kỷ cương của Đảng, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Qua kiểm tra, giám sát để kịp thời nhắc nhở, cảnh tỉnh, chấn chỉnh, ngăn chặn những hành vi vi phạm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, sự thiếu gương mẫu của tổ chức đảng, đảng viên; đồng thời, kiên quyết xử lý những tổ chức, cá nhân cố tình vi phạm.

Chủ động kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm, tập trung vào những lĩnh vực, địa bàn, vị trí công tác dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực, nhất là kiểm tra dấu hiệu suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những vấn đề nổi cộm, gây bức xúc trong xã hội. Khi đã phát hiện dấu hiệu vi phạm phải nhanh chóng kiểm tra, làm quyết liệt, triệt để, giải quyết dứt điểm. Kết luận kiểm tra phải rõ ràng, minh bạch; xử lý phải công tâm, khách quan; kỷ luật phải nghiêm minh, thuyết phục; tránh tình trạng “trông chờ, nghe ngóng”, “nặng trên, nhẹ dưới”…

Trong thời gian qua, công tác kiểm tra đã bám sát những yêu cầu trên. Những vụ việc mà Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm (có tính chất điểm), đối với doanh nghiệp nhà nước (Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam), công tác cán bộ (vụ Trịnh Xuân Thanh), việc thực hiện các quy chế hoạt động của cấp ủy, tổ chức đảng (ở nhiều tỉnh ủy, thành ủy, ban cán sự đảng bộ, ngành, UBND tỉnh), với các địa phương (Đà Nẵng, Khánh Hòa), lực lượng vũ trang (Quân chủng Phòng không - Không quân, Quân chủng Hải quân, Tổng cục Cảnh sát), vấn đề bảo vệ môi trường gắn với đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (dự án Formosa Hà Tĩnh). Gần đây, công tác kiểm tra đã tập trung vào một số lĩnh vực theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, trong đó có những lĩnh vực liên quan đến các vụ Việt Á, AIC, FLC... Những hoạt động đó đã phối hợp chặt chẽ với công tác thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử…; kịp thời xử lý kỷ luật các cá nhân, tập thể sai phạm, bảo đảm sự nghiêm minh của kỷ luật đảng, đồng thời, cảnh tỉnh, răn đe, phòng ngừa sai phạm, có thêm bài học, kinh nghiệm hay trong công tác kiểm tra.

Đây là những kinh nghiệm hay, bảo đảm đúng nguyên tắc, phù hợp với  các quy định của Điều lệ Đảng và thực tiễn đã chứng minh là đúng, có kết quả tốt. Qua kiểm tra dấu hiệu vi phạm, nếu thực sự có vi phạm thì thi hành kỷ luật trong Đảng trước, rồi đến kỷ luật về hành chính, tiếp đến là xử lý hình sự (nếu cần thiết). Công tác kiểm tra đảng đã đi trước, mở đường, tạo điều kiện cho các hoạt động của các cơ quan chức năng bảo vệ pháp luật thực thi nhiệm vụ có hiệu lực, hiệu quả.

Chủ động giám sát với phạm vi mở rộng phù hợp, trong đó chú trọng vào những nơi nội bộ có biểu hiện mất đoàn kết, dư luận xã hội quan tâm… để kịp thời nhắc nhở, cảnh báo, phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm từ sớm, từ xa. Trong nhiều trường hợp, chủ động làm tốt công tác giám sát theo phương châm “phòng bệnh cứu người” sẽ giúp bảo vệ được cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên từ sớm, từ xa, kịp thời ngăn ngừa không để xảy ra vi phạm.

Thứ bacác cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp, nhất là người đứng đầu cần hết sức coi trọng việc kiểm tra, giám sát và nắm tình hình hoạt động của các tổ chức đảng, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp để kịp thời phát hiện, chủ động ngăn ngừa từ xa, từ đầu, giải quyết từ sớm, khắc phục thiếu sót, khuyết điểm, nhất là các dấu hiệu vi phạm khi còn manh nha, để vi phạm không trầm trọng hơn hoặc vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn, kéo dài và lan rộng.

Thứ tư, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các quy định, quy chế cải tiến, đổi mới phương pháp, quy trình, kỹ năng công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng bảo đảm khách quan, dân chủ, khoa học, đồng bộ, thống nhất, thận trọng, chặt chẽ, khả thi. Tập trung vào các cơ chế, biện pháp chủ động phát hiện sớm để phòng ngừa, ngăn chặn khuyết điểm, vi phạm của tổ chức đảng và đảng viên; có chế tài để phòng ngừa, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm kỷ luật đảng.

Thứ năm, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp phải chú trọng đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy ủy ban kiểm traxây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm tra của cấp mình, cơ quan mình đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Cán bộ làm công tác kiểm tra phải luôn giữ vững bản lĩnh, có dũng khí đấu tranh, chính trực, phải chí công vô tư đấu tranh với sai phạm, tiêu cực trong Đảng; phải nắm vững và thực hiện đúng các nguyên tắc, cơ chế, chính sách, quy định của Đảng, Nhà nước, thực thi nhiệm vụ với động cơ trong sáng; luôn phấn đấu, rèn luyện tác phong, giữ gìn phẩm chất, đạo đức, tâm huyết, kiên quyết và trách nhiệm cao trong nghề nghiệp; phải thực sự gương mẫu trong cuộc sống hằng ngày. Phải tránh “kiêu ngạo”, say sưa thỏa mãn với thành tích, cho mình là đúng, là “chân lý”, không lắng nghe ý kiến khác với mình.

Cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp phải chủ động làm tốt công tác tự chỉnh đốn, tự kiểm tra, tự giám sát để xây dựng, bảo vệ và giữ gìn sự liêm chính của đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm tra, giám sát của Đảng của cấp mình. Kịp thời ngăn ngừa vi phạm và loại bỏ khỏi đội ngũ những cá nhân không còn xứng đáng, tránh để xảy ra tình trạng “con sâu làm rầu nồi canh”. Trong tình hình hiện nay, điều này có ý nghĩa hết sức quan trọng và cấp thiết để tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát của Đảng.

THEO: TRANG TTĐT ỦY BAN KIỂM TRA TRUNG ƯƠNG
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập