Tính nhân văn trong công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng theo tư tưởng Hồ Chí Minh
Lượt xem: 650

anh tin bai

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với đại biểu dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II, tháng 2/1951. (Ảnh tư liệu)

Mùa thu năm 1950, tại thị xã Thái Nguyên - là Thủ đô kháng chiến bấy giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ đã quyết định xử lý nghiêm một vụ án đặc biệt: Nguyên Đại tá, Cục trưởng Cục Quân nhu Trần Dụ Châu và 02 đồng phạm “biển thủ công quỹ, nhận hối lộ, phá hoại công cuộc kháng chiến”(1). Tử tù Trần Dụ Châu gửi đơn xin tha tội chết, Bác Hồ khước từ: “Với loài sâu mọt đục khoét nhân dân cũng thế, nếu phải giết đi một con sâu mà cứu được cả rừng cây thì việc đó là cần thiết, hơn nữa còn là một việc làm nhân đạo”(2).

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng, Người từng dạy: “Muốn hoàn thành tốt mọi công việc, thì toàn thể đảng viên và cán bộ phải chấp hành nghiêm chỉnh đường lối, chính sách của Đảng và muốn như vậy thì các cấp ủy đảng phải tăng cường công tác kiểm tra của Đảng”(3). Bác Hồ từng nhấn mạnh tính nghiêm minh trong kỷ luật đảng: “Kỷ luật của ta là kỷ luật sắt, nghĩa là nghiêm túc và tự giác”(4). Người coi kỷ luật đảng là biện pháp xây dựng chỉnh đốn Đảng “Sức mạnh vô địch của Đảng là ở tinh thần kỷ luật tự giác, ý thức tổ chức nghiêm chỉnh của cán bộ, đảng viên”(5). Vì vậy, khi cán bộ vi phạm kỷ luật, tha hóa biến chất, cho dù ở vị trí công tác nào, Hồ Chủ tịch cũng kiên quyết xử lý thấu tình đạt lý, giữ nghiêm kỷ luật Đảng. Trong bất kỳ trường hợp nào, mọi đảng viên đều bình đẳng trước kỷ luật của Đảng, cán bộ càng có công thì càng phải khiêm tốn, không được “tự đặt mình cao hơn tổ chức, tự cho phép mình đứng ngoài kỷ luật”(6).

Bên cạnh tính nghiêm minh trong kỷ luật của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chỉ rõ mục đích của kiểm tra, giám sát là “để giúp họ rút kinh nghiệm, sửa chữa khuyết điểm, phát triển ưu điểm”(7). Người cho rằng: “Người đời ai cũng có khuyết điểm. Có làm việc thì có sai lầm. Chúng ta không sợ có sai lầm và khuyết điểm, chỉ sợ không chịu cố gắng sửa chữa”(8). Trong tư tưởng của Người, kỷ luật của Đảng luôn thể hiện tính dân chủ, lòng bao dung, độ lượng sâu sắc. Ở tác phẩm “Sửa đổi lề lối làm việc” viết năm 1947, Bác Hồ có nói trong đối xử với nhau, đừng có nặng nề, tránh thái độ đối với những người mắc sai lầm, khuyết điểm như đối với “hổ mang thuồng luồng”, phải có tinh thần xây dựng, yêu thương đồng chí. Kỷ luật nghiêm nhưng vẫn phải có tình người, làm sao cho người ta sửa chữa được khuyết điểm và tiếp tục vươn lên để trở thành người tiến bộ, tích cực thì có lợi cho Đảng và nhân dân, chứ không phải kỷ luật để vùi dập, đưa họ vào bước đường cùng. Điều này thể hiện quan điểm nhân văn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật đảng.

Theo Bác Hồ, khi có đảng viên mắc phải sai lầm thì không “đao to búa lớn”, vội vàng quy chụp là “cơ hội chủ nghĩa” rồi cảnh cáo, khai trừ một cách áp đặt, mà phải giải thích rõ ràng để cho họ tự nhận ra sai sót và sửa chữa. “Không có ai cái gì cũng tốt, cái gì cũng hay. Vì vậy, chúng ta phải khéo dùng người, sửa chữa những khuyết điểm cho họ”(9). Do đó, Người nhắc nhở rằng qua kiểm tra, giám sát phải chỉ rõ ưu điểm, thành tích để phát huy, nhân rộng; kịp thời phát hiện thiếu sót, khuyết điểm để lưu ý, cảnh báo, nhắc nhở, yêu cầu sửa chữa, khắc phục, chủ động phòng ngừa, ngăn chặn xảy ra vi phạm từ khi còn manh nha. Nếu thấy cán bộ, đảng viên có khuyết điểm, vi phạm thì phải chỉ rõ chứng cứ, kết luận chuẩn xác, không chủ quan, áp đặt; phải để đối tượng kiểm tra được bày tỏ ý kiến của mình về những khuyết điểm, vi phạm đó và tự giác nhận khuyết điểm, sai phạm, tự nhận hình thức kỷ luật một cách tâm phục, khẩu phục. Như thế mới đạt được mục đích, yêu cầu của công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng và đồng thời đảm bảo tính Đảng, tính nhân văn trong công tác này. Người chỉ rõ và yêu cầu: “Mỗi đảng viên, mỗi cán bộ, cần phải thật thà tự xét và xét đồng chí mình, ai có khuyết điểm nào, thì phải thật thà cố gắng tự sửa chữa và giúp sửa chữa lẫn nhau. Thang thuốc hay nhất là thiết thực phê bình và tự phê bình”(10); phải “khéo dùng cách phê bình và tự phê bình để giúp đồng chí khác sửa đổi những sai lầm và khuyết điểm, giúp họ tiến bộ”(11). Chủ tịch Hồ Chí Minh còn căn dặn, đối với những người không chịu nổi kỷ luật của Đảng, có nguyện vọng xin ra khỏi Đảng, thì Đảng cũng tạo điều kiện cho họ ra khỏi Đảng và vẫn đối xử tốt, vẫn giữ tình cảm thân thiện với họ và chỉ yêu cầu một điều là: Không lộ bí mật của Đảng, không phản Đảng, không phá hoại Đảng.

Từ lý luận đến thực tiễn cho thấy: Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng yêu cầu và đòi hỏi tính Đảng, thực hiện nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt Đảng rất cao. Xuất phát từ mục tiêu chính là phòng ngừa, kịp thời chấn chỉnh, ngăn chặn những vi phạm của tổ chức đảng và đảng viên, tự thân công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng đã yêu cầu tính Đảng trong đó. Cùng với tính Đảng, tính giáo dục thì tính nhân văn sâu sắc với tinh thần “trị bệnh cứu người”, yêu thương đồng chí, bất đắc dĩ mới phải kỷ luật cán bộ, đảng viên, nhưng đó là vì sự tiến bộ chung và để làm gương trong Đảng.

Gần một thế kỷ trôi qua, những lời dạy của Hồ Chủ tịch đến nay vẫn là bài học quý cho công cuộc chống tham nhũng, tiêu cực trong Đảng. Đặc biệt là thời gian gần đây, nhiều vụ việc đã được UBKT các cấp xem xét, kết luận, xử lý kịp thời, nghiêm minh các vi phạm của tổ chức đảng và đảng viên với phương châm không có vùng cấm, không có ngoại lệ đã thể hiện quyết tâm của Đảng trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; góp phần xây dựng, củng cố niềm tin của nhân dân, cán bộ, đảng viên đối với sự lãnh đạo của Đảng. Điển hình là trường hợp đồng chí Chu Ngọc Anh, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và đồng chí Nguyễn Thanh Long, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế phải chịu hình thức kỷ luật Khai trừ ra khỏi Đảng vì những sai phạm trong công tác phòng, chống dịch COVID-19. Một ví dụ khác là: Do những vi phạm trong xây dựng chương trình, biên soạn, thẩm định, xuất bản, phát hành sách giáo khoa - vụ việc mà dư luận xã hội đã rất bức xúc trong nhiều năm qua, UBKT Trung ương đã đề nghị Bộ Chính trị xem xét, thi hành kỷ luật Ban cán sự đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo nhiệm kỳ 2016 - 2021 và ông Phùng Xuân Nhạ, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo(12). Gần đây, UBKT Trung ương cũng đã quyết định kỷ luật và đề nghị kỷ luật tổ chức đảng, các đảng viên vi phạm nghiêm trọng trong hoạt động liên quan đến khoáng sản, trong đó: Cảnh cáo đối với Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai nhiệm kỳ 2011 - 2016 và đề nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật đồng chí Nguyễn Văn Vịnh, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai… Khi phải xem xét, xử lý kỷ luật một tổ chức hoặc cá nhân nào là việc làm không ai muốn, nhưng đó là việc làm cần thiết bảo đảm sự bình đẳng trước pháp luật, tạo niềm tin, sự đoàn kết thống nhất trong Đảng.

Trong bài phát biểu tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác kiểm tra, giám sát của Đảng năm 2016, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nói: “Chúng ta rất nhân văn, nhân đạo, nhân ái, nhân tình, không thích thú gì khi phải kỷ luật đồng chí, đồng đội của mình, trái lại, rất khổ tâm, đau xót.” Ban Chấp hành Trung ương đã có những quy định cụ thể về tình tiết giảm nhẹ để động viên cán bộ có vi phạm tự giác nộp tài sản tham nhũng, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả do mình gây ratrong Điều 5 tại Quy định 69-QĐ/TW, ngày 06/7/2022 của Ban Chấp hành Trung ương về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm; và khuyến khích cán bộ bị kỷ luật cảnh cáo hoặc khiển trách mà năng lực hạn chế, uy tín giảm sút tự nguyện xin từ chức, đồng thời tạo điều kiện cho cán bộ bị kỷ luật có cơ hội sửa chữa, khắc phục khuyết điểm, tiếp tục phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện như trong Thông báo kết luận của Bộ Chính trị số 20-TB/TW, ngày 08/9/2022 của Ban Chấp hành Trung ương về chủ trương bố trí công tác đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý sau khi bị kỷ luật. Tính nhân văn cũng được thể hiện rõ trong Quy định số 22-QĐ/TW, ngày 28/7/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng: đối với đảng viên vi phạm đang trong thời gian mang thai hoặc đang nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi, bị bệnh nặng thì chưa xem xét, xử lý kỷ luật.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, “Muốn kiểm soát có kết quả, phải có hai điều: Một là, việc kiểm soát phải có hệ thống, phải thường xuyên làm. Hai là, người đi kiểm soát phải là những người rất có uy tín và phải “khéo kiểm soát”(13). Như vậy, công tác kiểm tra, giám sát phải thường xuyên thực hiện và phải có người có đủ uy tín, kinh nghiệm, năng lực trình độ để lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện. Để đảm bảo sự nghiêm minh và tính nhân văn trong công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng, cần tập trung thực hiện tốt một số vấn đề sau:

Thứ nhất, cấp ủy, UBKT các cấp cần nắm rõ và bám sát mục tiêu của kiểm tra, giám sát là phòng ngừa, kịp thời chấn chỉnh, ngăn chặn những vi phạm của tổ chức đảng và đảng viên. Mục đích của kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng là kịp thời chỉ ra khuyết điểm để tổ chức đảng, đảng viên vi phạm khắc phục, sửa chữa và phòng ngừa những khuyết điểm nhỏ trở thành vi phạm lớn. Vì vậy, không được có tư tưởng kỷ luật thật nặng để vùi dập, đưa đối tượng vi phạm đến bước đường cùng. Qua kiểm tra, giám sát, các cấp ủy, tổ chức đảng cần chỉ rõ ưu điểm, thành tích để phát huy, nhận rộng cũng như kịp thời phát hiện thiếu sót, khuyết điểm để lưu ý, cảnh báo, nhắc nhở đối tượng kiểm tra chủ động phòng ngừa.

Thứ hai, kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng cần thực hiện theo đúng phương pháp công tác Đảng, cần công tâm, công bằng, không bao che, vụ lợi, cũng không thành kiến, áp đặt. Phương pháp kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng phải dân chủ, khách quan, thận trọng, đi đúng đường lối quần chúng và nhân văn, không ép buộc mà hướng tới sự tự giác thì mới đem lại hiệu quả cao. Khi tiến hành công tác kiểm tra, giám sát phải thực hiện đúng nguyên tắc và các phương pháp công tác Đảng, không được áp dụng các phương pháp điều tra của các cơ quan Nhà nước trong công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng. Việc thẩm tra, xác minh, kết luận phải bảo đảm tính dân chủ, khách quan, thận trọng, chặt chẽ “lý lẽ phân minh, nghĩa tình trọn vẹn”, thực sự “thấu tình, đạt lý”. Việc kiểm tra, xem xét, kết luận, xử lý đối với tổ chức đảng, đảng viên có khuyết điểm, vi phạm phải kết hợp chặt chẽ giữa tính tự giác phê bình và tự phê bình của đối tượng kiểm tra; việc phê bình, góp ý của tổ chức, cá nhân có liên quan; sự tôn trọng của chủ thể kiểm tra đối với ý kiến của đối tượng kiểm tra, giám sát, của tổ chức, cá nhân có liên quan với sự vận động thuyết phục, cảm hoá đối tượng kiểm tra, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Thứ ba, nâng cao năng lực cán bộ làm công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng. Cán bộ kiểm tra cần nắm vững nguyên tắc hoạt động, đường lối, chính sách, nghị quyết, chỉ thị, quyết định, quy định, quy chế, kết luận của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Việc này vừa là để thực hiện đúng, vừa có cơ sở để xem xét, kết luận, xử lý kịp thời, nghiêm minh tổ chức đảng và đảng viên vi phạm. Đồng thời làm tốt chức năng phục vụ, tham mưu giúp cấp uỷ kiểm tra, giám sát hoặc phối hợp với các ban, ngành để kiểm tra, giám sát những nội dung quan trọng này đối với tổ chức đảng và đảng viên. Bản thân mỗi cán bộ kiểm tra cần nâng cao ý thức tổ chức kỷ luật, gương mẫu trong việc chấp hành quy định của Đảng và ngành Kiểm tra, pháp luật của Nhà nước trong đảm bảo bí mật Nhà nước, kỷ luật phát ngôn. Người cán bộ kiểm tra phải có đầy đủ năng lực của một cán bộ Đảng, đồng thời phải đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng…

Như vậy, khi thực hiện công tác kiểm tra, giám sát mới có thể làm cho đối tượng kiểm tra bị thuyết phục, cảm hóa và tự nhìn nhận, sửa chữa khuyết điểm, sai phạm đồng thời tự giác nhận hình thức kỷ luật (nếu có). Khi đó, mới đạt mục đích, yêu cầu và bảo đảm tính Đảng, tính nhân văn trong kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật. Có thể khẳng định, đã nhiều thập kỷ trôi qua nhưng tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng vẫn luôn ngời sáng tính nhân văn, và đây cũng là một trong những mục tiêu quan trọng trong công tác kiểm tra của Đảng hướng tới./.

THEO: TRANG TTĐT ỦY BAN KIỂM TRA TRUNG ƯƠNG
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập