Đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng
Lượt xem: 427

Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đề ra yêu cầu đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng. Tỉnh uỷ Lào Cai đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Đề án số 16-ĐA/TU ngày 11/12/2020 “về nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng; bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng trên địa bàn tỉnh Lào Cai giai đoạn 2020 – 2025”. Để thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XIII của Đảng, Chương trình hành động và Đề án số 16 của Tỉnh uỷ, các cấp ủy, tổ chức đảng, ủy ban kiểm tra các cấp cần nghiên cứu để nhận thức rõ hơn một số vấn đề sau:

Hiệu lực của kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng là việc chấp hành thực hiện các kết luận xử lý sau kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng của các đối tượng được kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng và các đối tượng có liên quan trong thời hạn quy định trên văn bản kết luận, xử lý của tổ chức đảng có thẩm quyền. Việc chấp hành này của các đối tượng càng khẩn trương, nghiêm túc thì hiệu lực của công tác kiểm tra, giám sát càng cao. Ngược lại kết quả kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng không đạt yêu cầu, kết luận xử lý thiếu chặt chẽ và thiếu tính khả thi là những nguyên nhân dẫn đến hiệu lực của công tác kiểm tra, giám sát đạt thấp hoặc không có hiệu lực.

Hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng hiểu theo nghĩa hẹp là kết quả của một cuộc kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng được tổ chức với số người tham gia, chi phí thấp nhất, thời gian ngắn nhất mà đạt được yêu cầu và mục đich cao nhất của người ra quyết định kiểm tra, giám sát, nói cách khác là phát hiện được trúng những vấn đề còn tồn tại, hạn chế, khuyết điểm, vi phạm của tổ chức đảng và đảng viên được kiểm tra. Nhưng hiểu theo nghĩa rộng thì hiệu quả của công tác kiểm tra, giám sát là kết quả sau khi thực hiện các ý kiến tham mưu, đề xuất và điều chỉnh của công tác kiểm tra, giám sát của các tổ chức chức đảng, các kết quả đó đem lại hiệu quả cao trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị. Cụ thể như khi tiến hành kiểm tra việc chấp hành hay kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm của một tổ chức đảng thường mang đến hiệu quả là: góp phần bảo đảm cho việc chấp hành nghị quyết, chỉ thị của Đảng, củng cố tổ chức đảng, giải quyết khắc phục yếu kém, xây dựng đoàn kết nội bộ rút kinh nghiệm lãnh đạo, chỉ đạo để đẩy mạnh toàn diện các mặt công tác của địa phương, đơn vị, lập lại kỷ cương, kỷ luật của Đảng. Hay tiến hành các vụ kỷ luật, giải quyết khiếu nại kỷ luật, kiểm tra việc thi hành kỷ luật sẽ góp phần giáo dục nâng cao nhận thức cho tổ chức đảng và đảng viên về kỷ luật đảng… Như vậy, mục tiêu của công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật càng cao thì hiệu quả đối với công tác xây dựng đảng và thực hiện nhiệm vụ chính trị càng lớn, tức là tác dụng của công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đến đâu, đó chính là hiệu quả của công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng.

Tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động của công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng phải toàn diện trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội:

- Về chính trị: Việc vận dụng các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng phải góp phần quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, tạo sự đoàn kết thống nhất trong Đảng. Bảo đảm xây dựng đúng đắn và lãnh đạo, tổ chức thực hiện có kết quả đường lối, chính sách, quan điểm của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước ở Đảng bộ tỉnh. Góp phần xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh toàn diện, nhất là hệ thống chính trị ở cơ sở. Công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng góp phần phòng ngừa suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, ngăn chặn xảy ra vi phạm của các tổ chức đảng và đảng viên; giúp đảng viên và tổ chức đảng thấy được ưu điểm để phát huy, thiếu sót, khuyết điểm để uốn nắn, sửa chữa, khắc phục. Đồng thời tăng cường quản lý, giáo dục, rèn luyện, xây dựng đội ngũ cán bộ đảng viên có đủ phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống, có tính chiến đấu cao, trung thành với mục đích lý tưởng của Đảng, gắn bó mật thiết với nhân dân.

- Về xã hội: Việc vận dụng các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng phải góp phần ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội, tạo sự đoàn kết thống nhất trong hệ thống chính trị, trong xã hội, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy và mở rộng dân chủ trong xã hội, xây dựng và củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, đối với chế độ; chống mọi yếu kém, tiêu cực trong Đảng, bộ máy nhà nước và toàn xã hội; ngăn chặn tình trạng mất đoàn kết, tranh chấp phức tạp trong nội bộ nhân dân; tạo sự đồng thuận xã hội.

- Về kinh tế: Hiệu quả của việc thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng phải góp phần thực hiện đúng đường lối phát triển kinh tế của Đảng, xây dựng nền kinh tế có hiệu quả, phát triển bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Qua kiểm tra, giám sát phát hiện những sơ hở, thiếu sót, khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách để có yêu cầu, kiến nghị điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ những cơ chế chính sách không còn phù hợp, đáp ứng yêu cầu đổi mới và phát triển kinh tế, xã hội. Đồng thời, công tác kiểm tra, giám sát còn phải đảm bảo yêu cầu tiết kiệm về thời gian, chi phí nhân lực, vật lực.

Như vậy, kết quả kiểm tra chưa phải là điều mà các tổ chức đảng – chủ thể kiểm tra, giám sát mong muốn mà phải là hiệu qủa của những đề xuất tham mưu trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng. Việc phát hiện ra các khuyết điểm, vi phạm của tổ chức đảng và đảng viên được kiểm tra, giám sát chỉ là  những minh chứng để kết luận cho những kẽ hở trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của tổ chức đảng, nhằm đề xuất với các cấp ủy, tổ chức đảng có thẩm quyền kịp thời điều chỉnh các nghị quyết, chỉ thị, quyết định lãnh đạo, chí đạo của mình cho phù hợp với thực tiễn.

Kết quả, hiệu lực, hiệu quả của công tác kiểm tra, giám sát của Đảng là ba giai đoạn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng có quan hệ biện chứng với nhau. Kết quả kiểm tra là cơ sở để kết luận. đánh giá và đề xuất xử lý những tồn tại hạn chế, khuyết điểm, vi phạm của tổ chức đảng và đảng viên được kiểm tra, giám sát – là điều kiện đảm bảo hiệu quả của công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng. Hiệu lực của công tác kiểm tra, giám sát chỉ đạt được khi văn bản kết luận, xử lý sau kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng có nội dung khả năng thực hiện, được triển khai thực hiện nghiêm túc, kịp thời, đầy đủ, là kết quả đạt được sau khi thực hiện các đề xuất điều chỉnh trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực nghị quyết, chỉ thị, quyết định, quy chế làm việc cao hơn trước khi được kiểm tra, giám sát.

Để thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng về đổi mới nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng cần nghiên cứu thực hiện một số nội dung sau:

Một là: Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với công tác kiểm tra, giám sat, thi hành kỷ luật đảng. Cấp uỷ các cấp phải lãnh đạo công tác kiểm tra, giám sát, đề ra chủ trương, nghị quyết, chương trình, kế hoạch về công tác kiểm tra, giám sát trong từng giai đoạn nhất định; định kỳ, đột xuất kiểm tra việc tổ chức thực hiện; nghe các tổ chức đảng, các cơ quan, đơn vị liên quan báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác kiểm tra, giám sát để có ý kiến chỉ đạo, giải quyết các khó khăn, vướng mắc; phân công nhiệm vụ cụ thể cho các cấp uỷ viên phụ trách lĩnh vực, địa bàn hoặc các cuộc kiểm tra, giám sát của cấp uỷ. 

Hai là: Đổi mới phương thức hoạt động kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng của tổ chức đảng, ủy ban kiểm tra. Xây dựng chương trình kế hoạch kiểm tra, giám sát toàn khóa và hàng năm xác định nội dung, đối tượng kiểm tra, giám sát phù hợp với yêu cầu lãnh đạo, thực hiện nhiệm vụ chính trị của tổ chức đảng, địa phương, đơn vị; kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, mở rộng giám sát trên các lĩnh vực; tăng cường kiểm tra, giám sát đối với những người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, phương pháp, quy trình kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng, rút ngắn được thời gian nhưng vẫn đảm bảo chất lượng, hiệu lực, hiệu quả. Tăng cường đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện kết luận kiểm tra, giám sát, quyết định thi hành kỷ luật đối với tổ chức đảng, đảng viên, thu hồi tiền, tài sản thất thoát do sai phạm (nếu có).

Ba là: Đổi mới công tác phối hợp. Cấp ủy các cấp ban hành quy chế phối hợp thực hiện công tác kiểm tra, giám sát giữa ủy ban kiểm tra với các tổ chức đảng, cơ quan chức năng cùng cấp. Ủy ban kiểm tra, các cơ quan chuyên trách tham mưu giúp việc cho cấp uỷ rà soát phát hiện các văn bản, quy định, hướng dẫn công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra hoặc có liên quan của Đảng, chính quyền Nhà nước, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội để phát hiện các thiếu sót, điểm bất hợp lý, chưa phù hợp để đề nghị điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Lấy uỷ ban kiểm tra của cấp uỷ làm trung tâm tham mưu, giúp việc cho cấp uỷ và phối hợp với các tổ chức đảng, các cơ quan nhà nước, đoàn thể chính trị - xã hội cùng cấp trong tổ chức thực hiện công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra để đảm bảo hiệu quả, hiệu lực và tránh chồng chéo, gây phiền hà cho đối tượng được kiểm tra, giám sát, thanh tra. Tăng cường việc trao đổi thông tin giữa cấp uỷ, uỷ ban kiểm tra với các tổ chức nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội, cơ quan báo chí. Thực hiện minh bạch, công khai hoá các kết luận kiểm tra, giám sát, thanh tra theo quy định để cán bộ, đảng viên, nhân dân biết và tham gia giám sát, kiểm tra việc thực hiện.      

Bốn là: đổi mới tổ chức bộ máy, cán bộ UBKT, cơ quan UBKT các cấp; tăng thẩm quyền; đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, bố trí; luân chuyển; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ kiểm tra các cấp (có trình độ chuyên môn cao về  nhiều lĩnh vực tài chính, kinh tế, xuất nhập khẩu; đầu tư, xây dựng, quản lý tài nguyên, khoáng sản, đất đai; công tác tổ chức cán bộ; công tác quản lý hành chính; công tác tư pháp, điều tra, truy tố, xét xử…)

Để tư tưởng chỉ đạo của Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XIII của Đảng về đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng, Đề án số 16-ĐA/TU ngày 11/12/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Lào Cai “về nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng; bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng trên địa bàn tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2020 – 2025” thực hiện đạt kết quả cao, các cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp cần giữ vững nguyên tắc hoạt động của Đảng, thực hiện đúng tư tưởng chỉ đạo “Chủ động, chiến đấu, giáo dục, hiệu quả”, phương châm “Công minh, chính xác, kịp thời”, đồng thời nghiên cứu, vận dụng sát thực với yêu cầu lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị và điều kiện tình hình thực tiễn của tổ chức đảng, địa phương, cơ quan, đơn vị./.

Nguyễn Duy Thắng - UBKT Tỉnh ủy
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập