Đề xuất một số nội dung về triển khai thực hiện Đề án số 16 của Tỉnh ủy
Lượt xem: 1248

Ngày 11/12/2020, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Lào Cai đã ban hành Đề án số 16-ĐA/TU về "Nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng; bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng trên địa bàn tỉnh Lào Cai giai đoạn 2020 – 2025". Để góp phần triển khai thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án, đề nghị cấp ủy, UBKT các cấp, các cơ quan tham mưu giúp việc của cấp ủy, các tổ chức đảng trong toàn Đảng bộ tỉnh nghiên cứu, thực hiện tốt một số nội dung sau:

* Ở cấp tỉnh:

- Ban Nội chính Tỉnh ủy (cơ quan chủ trì Đề án): Chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án (đối với nội dung thuộc trách nhiệm của cơ quan mình); ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn cơ quan phối hợp thực hiện Đề án, các tổ chức đảng thuộc phạm vi điều chỉnh của Đề án (cấp ủy; UBKT các cấp; các cơ quan tham mưu giúp việc của Tỉnh ủy, cấp ủy trực thuộc; các đảng đoàn, ban cán sự đảng trực thuộc Tỉnh ủy; đảng ủy, chi bộ cơ sở) xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Đề án.

- UBKT Tỉnh ủy (cơ quan phối hợp thực hiện Đề án): Cơ quan UBKT Tỉnh ủy thành lập Tổ giúp việc thực hiện Đề án, phân công 01 đồng chí Phó Chủ nhiệm Thường trực UBKT Tỉnh ủy phụ trách, chỉ đạo thực hiện. Nhiệm vụ của Tổ giúp việc thực hiện Đề án: giúp UBKT ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn đối với cấp ủy, UBKT cấp ủy trực thuộc quán triệt, triển khai Đề án (trong đó cần xác định rõ nội dung, thời gian thực hiện, thành phần tham dự…); xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án (có đề cương kế hoạch kèm theo); giúp UBKT Tỉnh ủy xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án (đối với nội dung thuộc trách nhiệm của UBKT Tỉnh ủy). Chỉ đạo, hướng dẫn UBKT các cấp phối hợp với Văn phòng cấp ủy tham mưu cho cấp ủy trực thuộc kịp thời quán triệt, triển khai Đề án; đồng thời xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án.

- Các cơ quan tham mưu giúp việc của Tỉnh ủy: Xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Đề án sát với chức năng, nhiệm vụ và yêu cầu công tác của cơ quan, đơn vị mình. Chỉ đạo, hướng dẫn cơ quan chuyên trách cấp ủy cấp dưới triển khai thực hiện Đề án đảm sự thống nhất trong nội bộ ngành, lĩnh vực mình.

- Các đảng đoàn, ban cán sự đảng trực thuộc Tỉnh ủy: Phối hợp với cấp ủy, tổ chức đảng, tổ chức nhà nước… xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án, trong đó xác định rõ nội dung lãnh đạo công tác kiểm tra và công tác phòng chống tham nhũng thuộc phạm vi được phân công phụ trách; mục tiêu, tiến độ thời gian thực hiện; trách nhiệm của tổ chức, đơn vị trực thuộc (nếu có) và cán bộ, đảng viên có liên quan trong quá trình thực hiện.

* Ở cấp huyện và tương đương: Các huyện ủy, thị ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy kịp thời tổ chức hội nghị quán triệt, triển khai Đề án (nên tổ chức quán triệt, triển khai đồng thời 18 Đề án của Tỉnh ủy). Lãnh đạo, chỉ đạo UBKT của cấp ủy chủ động tham mưu giúp cấp ủy kịp thời quán triệt, triển khai Đề án tới toàn thể cán bộ, đảng viên; đồng thời xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Đề án phù hợp với đặc điểm tình hình và điều kiện thực tế của tổ chức đảng. Lãnh đạo, chỉ đạo (bằng văn bản) đối với các tổ chức đảng cơ sở triển khai, thực hiện Đề án; trong đó yêu cầu rõ trách nhiệm của từng tổ chức đảng (chi bộ, đảng ủy, UBKT đảng ủy cơ sở) trong việc triển khai, thực hiện Đề án.

* Ở cấp cơ sở: Các chi bộ, đảng bộ tổ chức hội nghị quán triệt, triển khai 18 Đề án của Tỉnh ủy, trong đó có Đề án 16 về "Nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng; bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng trên địa bàn tỉnh Lào Cai giai đoạn 2020 – 2025". Ở cấp cơ sở có thể xem xét không cần thiết phải xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án 16, mà căn cứ vào mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án để điều chỉnh, bổ sung chương trình kiểm tra, giám sát nhiệm kỳ và hằng năm để thực hiện. Trong quá trình triển khai thực hiện cần thực hiện tốt, đồng bộ các giải pháp của Đề án nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả, hiệu lực của công tác kiểm tra, giám sát.

Kế hoạch thực hiện Đề án số 16 của Tỉnh ủy cần đảm bảo một số nội dung sau:

Một là: Phải xác định được mục đích, yêu cầu phù hợp với đặc điểm, tình hình thực tiễn của tổ chức, địa phương, đơn vị.

Hai là: Phải xác định được mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể trong từng năm 2021, 2022, …, 2025 (đây là yêu cầu bắt buộc); trên cơ sở đó xác định rõ nhu cầu kinh phí (nếu có) để triển khai thực hiện.

Ba là: Đề ra những giải pháp để thực hiện phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ và tình hình thực tiễn của tổ chức, địa phương, đơn vị.

Bốn là: Về tổ chức thực hiện, cần phân công nhiệm vụ cụ thể cho các tổ chức, đơn vị trực thuộc (nếu có) và cán bộ, đảng viên có liên quan; các biện pháp phối hợp với các tổ chức, cơ quan có liên quan trong quá trình thực hiện Đề án.
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập