CÔNG TÁC KIỂM TRA, GIÁM SÁT GÓP PHẦN XÂY DỰNG ĐẢNG BỘ TỈNH LÀO CAI TRONG SẠCH VỮNG MẠNH
Lượt xem: 1812

Tỉnh ủy Lào Cai luôn xác định công tác kiểm tra, giám sát là một trong những chức năng lãnh đạo của Đảng bộ, là nội dung quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, là nhiệm vụ thường xuyên của cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy và ủy ban kiểm tra các cấp trong toàn Đảng bộ. Từ nhận thức đó, từ đầu nhiệm kỳ 2015-2020 đến nay, cấp ủy các cấp đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác kiểm tra, giám sát theo phương châm “Kiểm tra phải có trọng tâm trọng điểm, giám sát phải mở rộng” , “kết hợp chặt chẽ giữa xây và chống, lấy xây là chính”.

Tiếp nối truyền thống xây dựng và phát triển, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Lào Cai luôn có sự đoàn kết thống nhất, hệ thống chính trị các cấp luôn được quan tâm xây dựng, củng cố kiện toàn; cấp uỷ các cấp đã tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác kiểm tra, giám sát, từ đó nhận thức của cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng bộ về công tác này có sự chuyển biến tích cực, ủy ban kiểm tra các cấp từng bước được củng cố, kiện toàn về tổ chức; cán bộ làm công tác kiểm tra luôn được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao về chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực công tác nên cơ bản đáp ứng nhiệm vụ công tác đề ra. Tuy vậy, Lào Cai vẫn là một tỉnh có nhiều khó khăn, một tỉnh vùng cao, biên giới, nhiều dân tộc, đời sống nhân dân nhất là vùng đồng bào dân tộc còn nhiều khó khăn, nhận thức của một bộ phận nhân dân về các chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước còn hạn chế; là tỉnh đang trên đà phát triển mạnh cả về công nghiệp, xây dựng cơ sở kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị nhiều dự án lớn, có yêu cầu cao về giải phóng mặt bằng, sắp xếp dân cư nên thường phát sinh đơn thư khiếu kiện.…

Với những thuận lợi và khó khăn thách thức, ngay từ đầu nhiệm kỳ 2015-2020, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh trên cơ sở các quyết định, quy định, hướng dẫn của Trung ương về công tác kiểm tra, giám sát đã chủ động xây dựng chương trình công tác kiểm tra, giám sát, chỉ đạo cấp ủy cấp dưới, ủy ban kiểm tra các cấp căn cứ vào nhiệm vụ chính trị địa phương, đơn vị xây dựng chương trình công tác kiểm tra, giám sát cho cả nhiệm kỳ và hàng năm cho phù hợp để thực hiện. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Đề án số 01 -ĐA/BCĐCCHC ngày 12/9/2016 của Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính tỉnh ban hành quy trình thực hiện các cuộc kiểm tra, giám sát chuyên đề, thi hành kỷ luật, giải quyết đơn thư tố cáo, khiếu nại của tổ chức đảng, cấp ủy, cơ quan tham mưu giúp việc cấp ủy trong Đảng bộ tỉnh Lào Cai; Chỉ thị số 23-CT/TU, ngày 08/11/2016 về nâng cao chất lượng, hiệu quá công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra trong toàn đảng bộ và hệ thống chính trị tỉnh Lào Cai giai đoạn 2016-2020; đây là sự đổi mới, sáng tạo về phương thức lãnh đạo của Tỉnh ủy, các cấp ủy đảng đối với công tác kiểm tra, giám sát, nhằm đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện của cấp ủy các cấp về công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra trên tất cả các lĩnh vực.

Qua thực tế triển khai thực hiện Đề án  số 01 và Chỉ thị 23 trong nhiệm kỳ vừa qua cho thấy, cấp ủy các cấp đã tích cực, chủ động, thực hiện toàn diện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát theo Điều lệ Đảng quy định, tổ chức thực hiện hoàn thành và hoàn thành vượt mức các cuộc kiểm tra, giám sát theo chương trình, kế hoạch kiểm tra, giám sát hàng năm; Từ đầu nhiệm kỳ 2015-2020 đến nay, cấp ủy các cấp đã tiến hành kiểm tra đối với 2.795 lượt tổ chức đảng và 4.793 lượt đảng viên; giám sát đối với 1.505 lượt tổ chức đảng và 3.594 lượt đảng viên; thi hành kỷ luật đối với 04 tổ chức đảng và 424 đảng viên; phương pháp, hình thức, nội dung kiểm tra, giám sát được đổi mới, thể hiện được tính chủ động trong lãnh đạo, chỉ đạo và tiến hành kiểm tra, giám sát mang lại hiệu quả thiết thực; đã kết hợp giữa giám sát thường xuyên với giám sát chuyên đề, giữa kiểm tra chấp hành với giám sát chuyên đề, giữa giám sát chuyên đề với kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm để kịp thời ngăn ngừa, uốn nắn, nhắc nhở, cảnh báo tổ chức đảng, đảng viên có thiếu sót, khuyết điểm, vi phạm. Ủy ban kiểm tra các cấp trong toàn đảng bộ tỉnh đã phát huy tốt vai trò tham mưu giúp cấp ủy thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát theo Điều 30 Điều lệ Đảng; chủ động thực hiện đồng bộ 6 nhiệm vụ theo quy định Điều 32, Điều lệ Đảng, trong đó trọng tâm là tăng cường giám sát đối với tổ chức đảng, đảng viên mở rộng trên nhiều lĩnh vực. Uỷ ban Kiểm tra các cấp đã tiến hành kiểm tra đối với 3.074 lượt tổ chức đảng và 284 lượt đảng viên; giám sát đối với 1.307 lượt tổ chức đảng và 1.372 lượt đảng viên; thi hành kỷ luật đối 136 đảng viên; Xem xét, giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với 03 tổ chức đảng và 40 đảng viên.

Công tác kiểm tra, giám sát đã giúp các cấp uỷ đảng đánh giá đúng thực trạng công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ trong các lĩnh vực; tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc ngay từ cơ sở, thúc đẩy thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và công tác xây dựng hệ thống chính trị. Công tác kiểm tra, giám sát của Đảng bộ tỉnh đã thực sự góp phần quản lý, giáo dục cán bộ, đảng viên chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; củng cố, nâng cao vai trò lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ đảng viên, xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh.

Từ thực tiễn công tác kiểm tra, giám sát trong nhiệm kỳ qua cho thấy: Nơi nào cấp ủy, Ủy ban kiểm tra nhận thức đúng và làm tốt công tác kiểm tra, giám sát thì ở đó việc thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương, đơn vị đạt kết quả tốt, nội bộ đoàn kết thống nhất, kỷ cương được giữ vững, tiêu cực và vi phạm được đẩy lùi. Đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm tra, giám sát các cấp phải có trình độ chuyên nghiệp, bản lĩnh chính trị vững vàng, có dũng khí, dám đấu tranh chống các biểu hiện tiêu cực và các vi phạm khác.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác kiểm tra, giám sát còn có những hạn chế cần khắc phục, như: Một số cấp ủy cấp huyện và cấp cơ sở chưa thực hiện tốt nhiệm vụ kiểm tra, giám sát chuyên đề đối với tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên trên các lĩnh vực dễ xảy ra sai phạm như: công tác cán bộ; tài chính-tài sản; quản lý tài nguyên, khoáng sản; đầu tư, xây dựng, đất đai …công tác kiểm tra, giám sát của các cơ quan tham mưu giúp việc của cấp ủy có mặt còn chưa tốt; thực hiện luân chuyển cán bộ làm công tác kiểm tra sang các ngành để nâng cao năng lực thực tiễn theo Kết luận 72-KL/TW còn nhiều hạn chế; có cuộc kiểm tra, giám sát còn chậm tiến độ theo kế hoạch, chất lượng chưa cao; Ủy ban kiểm tra các cấp, nhất là cấp cơ sở chưa tập trung thực hiện nhiệm vụ  trọng tâm kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với tổ chức đảng cấp dưới và dảng viên, nhất là cấp ủy viên cùng cấp; công tác phối hợp với thanh tra, các tổ chức đoàn thể và các ngành liên quan có nơi thực hiện chưa tốt; Công tác tuyên truyền, phổ biến về nhiệm vụ kiểm tra, giám sát của một số cấp ủy, ủy ban kiểm tra còn hạn chế.

Trong thời gian tới để công tác kiểm tra, giám sát nhiệm  kỳ 2020 - 2025 đạt kết quả cao, cần thực hiện một số nội dung sau:

Thứ nhất, Các cấp ủy đảng, ủy ban kiểm tra các cấp trong toàn Đảng bộ cần quán triệt, triển khai nghiêm túc các quy định, hướng dẫn của Trung ương về công tác kiểm tra, giám sát; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, đảng viên về thực hiện công tác kiểm tra, giám sát của Đảng trong tình hình mới. Xác định việc kiểm tra, giám sát của Đảng là chức năng lãnh đạo của tổ chức đảng, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, làm tốt công tác tư tưởng, nâng cao nhận thức, tạo ra sự đồng tâm, hiệp lực trong toàn Đảng, để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ công tác kiểm tra, giám sát, giữ vững kỷ cương, kỷ luật của Đảng, phát huy dân chủ, tăng cường đoàn kết, thống nhất trong Đảng; đổi mới để nâng cao chất lượng, hiệu quả các cuộc kiểm tra, giám sát; kết hợp chặt chẽ đồng bộ kiểm tra, giám sát trong tổ chức đảng với cơ quan nhà nước để kịp thời ngăn chặn đẩy lùi tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí; xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm tra, giám sát từ tỉnh đến cơ sở có đủ phẩm chất, năng lực và bản lĩnh, nắm vững nguyên tắc, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác kiểm tra, giám sát của Đảng trong tình hình mới; thực hiện toàn diện, có chương trình, theo kế hoạch nhiệm vụ công tác kiểm tra, giám sát được quy định tại Điều lệ Đảng.

Thứ hai, Cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp tập trung kiểm tra, giám sát việc chấp hành Điều lệ, Nghị quyết, Chỉ thị, quy định của Đảng, luật pháp, chính sách của Nhà nước; việc chấp hành nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc, chế độ công tác, thực hiện dân chủ trong Đảng, giữ gìn đoàn kết nội bộ. Công tác kiểm tra, giám sát phải đóng góp có hiệu quả vào cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Thứ ba, Tiếp tục thực hiện Chỉ thị 23-CT/TU, ngày 08/11/2016 của Tỉnh ủy Lào Cai về nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra trong toàn đảng bộ và hệ thống chính trị tỉnh Lào Cai giai đoạn 2016-2020 nhằm bảo vệ và giữ vững vai trò lãnh đạo toàn diện của Đảng đối trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, tạo sự đoàn kết thống nhất và bảo đảm thực hiện dân chủ trong Đảng, giữ vững kỷ cương, kỷ luật của Đảng; phòng ngừa, ngăn chặn sự suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức lối sống trong cán bộ, đảng viên.

Thứ tư, củng cố, kiện toàn ủy ban kiểm tra các cấp đảm bảo số lượng, cơ cấu, thành phần theo đúng quy định của Đảng. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ kiểm tra các cấp, đặc biệt là ở cấp cơ sở.

Có thể khẳng định, công tác kiểm tra, giám sát là một khâu quan trọng trong toàn bộ công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ, là chức năng trọng yếu trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương. Thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát của Đảng bộ sẽ góp phần quan trọng xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh; phấn đấu đưa Lào Cai trở thành tỉnh phát triển của khu vực Tây Bắc.

Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập