Việc triển khai Quy chế số 17-QC/TU của Tỉnh ủy được thực hiện nghiêm túc và đồng bộ từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở. Các hội nghị tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền diễn ra đúng trình tự, nghiêm túc, dân chủ. Việc quán triệt mục đích, yêu cầu, nội quy hội nghị tiếp xúc, đối thoại được thực hiện ngắn gọn, cụ thể, dễ hiểu; báo cáo đánh giá được trình bày khái quát những vấn đề bức xúc, nổi cộm mà Nhân dân quan tâm, tình hình phát triển kinh tế - xã hội, an ninh trật tự của địa phương, cơ sở hoặc những dự án đang được đầu tư trên địa bàn. Các ý kiến của Nhân dân cơ bản tập trung vào các chủ đề mà người chủ trì đã nêu ra; phản ánh, kiến nghị, góp ý với thái độ tích cực, tinh thần thẳng thắn, chân thành, có trách nhiệm. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền lắng nghe những đóng góp, ý kiến, giải pháp, đề xuất của người dân với thái độ nghiêm túc, cầu thị, đồng thời trả lời trực tiếp, giải quyết từng ý kiến hoặc tổng hợp, trả lời các ý kiến theo từng lĩnh vực. Kết thúc hội nghị tiếp xúc, đối thoại, người chủ trì kết luận, ghi nhận, tiếp thu các ý kiến của người dân; đồng thời chỉ đạo, giao nhiệm vụ cụ thể và thời gian thực hiện cho từng ngành, từng cấp, cơ quan, đơn vị, bộ phận, cán bộ, công chức chịu trách nhiệm giải quyết, báo cáo Thường trực cấp uỷ, trả lời cho Nhân dân được biết, nhất là những vấn đề đang nổi cộm, gây bức xúc trong Nhân dân. Các cơ quan chuyên môn có văn bản trả lời, giải quyết đối với những ý kiến, kiến nghị của Nhân dân theo ý kiến chỉ đạo và kết luận của người chủ trì tại hội nghị. Các ý kiến không thuộc thẩm quyền đều được tổng hợp, báo cáo lên cấp có thẩm quyền.
Từ năm 2020 đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức được 2.794 hội nghị tiếp xúc, đối thoại trực tiếp theo định kỳ và đột xuất với 174.862 lượt người tham gia. Cấp tỉnh: Thường trực Tỉnh ủy đã tổ chức 08 hội nghị tiếp xúc, đối thoại với sự tham gia của 1.100 lượt người. Chủ tịch UBND tỉnh đã tổ chức 07 cuộc tiếp xúc, đối thoại với 670 lượt người tham gia. Cấp huyện, thị xã, thành phố: Tổ chức 265 cuộc tiếp xúc, đối thoại trực tiếp, với sự tham gia của 25.895 lượt người, tiếp nhận 4.919 ý kiến, trong đó hơn 90% ý kiến được giải đáp ngay tại hội nghị. Cấp xã, phường, thị trấn: Tổ chức 2.513 cuộc tiếp xúc, đối thoại với hơn 147.077 lượt người tham gia, tiếp nhận 17.334 ý kiến, trong đó gần 90% ý kiến đã được đáp ngay tại hội nghị. Nội dung đối thoại tập trung vào các vấn đề thiết thực như giải phóng mặt bằng, đất đai, ô nhiễm môi trường, an ninh trật tự, chính sách hỗ trợ vùng cao…Nhờ đó, nhiều khó khăn, vướng mắc của người dân đã được tháo gỡ kịp thời, tạo sự đồng thuận trong xã hội.

Hội nghị tiếp xúc đối thoại giữa Thường trực huyện ủy Bắc Hà với Nhân dân xã Tà Chải năm 2024
Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực hiện quy chế vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục: Một số cấp ủy, chính quyền ở cơ sở chưa quan tâm đúng mức đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện Quy chế. Việc tổ chức tiếp xúc, đối thoại chưa đảm bảo số cuộc theo Quy chế, hiệu quả một số cuộc tiếp xúc, đối thoại chưa cao; công tác theo dõi, giám sát, kiểm tra việc thực hiện kết luận của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền sau tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với Nhân dân ở một số nơi chưa thực hiện thường xuyên. Sự phối hợp trong giải quyết các nội dung sau tiếp xúc, đối thoại giữa các ngành, các cấp và địa phương có lúc còn chưa chặt chẽ, do đó còn có những vấn đề chậm giải quyết hoặc chưa được giải quyết thỏa đáng, dứt điểm.
Nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện Quy chế tiếp xúc, đối thoại trong giai đoạn tiếp theo trên địa bàn tỉnh, cần quan tâm một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm:
1. Tiếp tục nâng cao nhận thức của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp và của Nhân dân về tầm quan trọng của hội nghị tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với Nhân dân. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo công tác tiếp xúc, đối thoại, đặc biệt là việc thực hiện nghiêm túc kết luận của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền sau tiếp xúc, đối thoại với Nhân dân.
2. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để Nhân dân hiểu, thực hiện đúng các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tham gia tích cực vào các phong trào thi đua yêu nước; nâng cao trình độ chuyên môn, đạo đức, ý thức, trách nhiệm cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên. Phát huy dân chủ với phương châm “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin” và ,“hướng về cơ sở, lắng nghe, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân”. Đổi mới, đa dạng hóa các hình thức, cách thức tổ chức tiếp xúc, đối thoại trực tiếp của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với Nhân dân trên địa bàn. Tại các cuộc tiếp xúc, đối thoại, trực tiếp với Nhân dân phải đảm bảo dân chủ, cởi mở, để người dân chủ động, mạnh dạn nêu lên những ý kiến, kiến nghị, nguyện vọng chính đáng của mình.
3. Nắm chắc tình hình Nhân dân, tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân cũng như những khó khăn, vướng mắc của người dân, chọn những nội dung quan trọng, cần thiết để đối thoại, tập trung vào những vấn đề nổi cộm ở cơ sở; tổ chức đối thoại thường xuyên với Nhân dân tại các địa bàn phức tạp, không để xảy ra “điểm nóng”.
4. Lựa chọn hình thức, nội dung tiếp xúc, đối thoại với Nhân dân phù hợp với tình hình thực tiễn. Trước khi tổ chức hội nghị tiếp xúc, đối thoại cần phải rà soát, chuẩn bị chu đáo về nội dung, có kế hoạch, chương trình cụ thể. Sau khi tiếp xúc, đối thoại cần ban hành ngay thông báo kết luận, chỉ đạo các các cơ quan chức năng, phối hợp, giải quyết; việc thực hiện kết luận của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp sau các cuộc tiếp xúc, đối thoại phải đảm bảo kịp thời, hiệu quả và đúng quy định của pháp luật. Cấp ủy, chính quyền các cấp có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc việc giải quyết của các cơ quan chức năng.
Việc thực hiện hiệu quả Quy chế số 17-QC/TU trong thời gian tới không chỉ giúp giải quyết kịp thời các vấn đề bức xúc của Nhân dân mà còn củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, chính quyền, góp phần thúc đẩy sự phát triển toàn diện, bền vững của tỉnh Lào Cai./.