Ngày 15/4/2025, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 766/QĐ-TTg, phê duyệt Đề án “Chuyển đổi số trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2025 – 2030”. Đây là một bước đi quan trọng nhằm ứng dụng công nghệ số trong hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật, mở ra nhiều cơ hội và lợi ích thiết thực cho người dân và doanh nghiệp.
Ảnh minh hoạ
Đề án đặt mục tiêu đổi mới toàn diện công tác quản lý và phương thức tổ chức phổ biến, giáo dục pháp luật, trong đó lấy công nghệ số làm trọng tâm, kết hợp hài hòa với các phương thức truyền thống nhằm cung cấp thông tin pháp lý nhanh chóng, chính xác, dễ tiếp cận và hiệu quả cho mọi đối tượng trong xã hội. Trong giai đoạn đầu (2025 - 2027), các cơ quan nhà nước sẽ hoàn thiện thể chế, chính sách thúc đẩy chuyển đổi số trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, trong đó tập trung nghiên cứu, xây dựng trình dự án và hoàn thiện khung pháp lý, cụ thể là sửa đổi Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật; Đồng thời nâng cấp, hoàn thiện Cổng thông tin điện tử phổ biến, giáo dục pháp luật quốc gia. Đây sẽ là nền tảng quan trọng giúp người dân và doanh nghiệp dễ dàng tra cứu và tiếp cận thông tin pháp lý.
Song song đó, một kho dữ liệu số dùng chung sẽ được xây dựng, cho phép kết nối và chia sẻ thông tin giữa các bộ, ngành, địa phương. Dự kiến đến năm 2027, ít nhất 80% dân số khu vực thành thị và 60% dân cư khu vực nông thôn có thể tiếp cận thông tin pháp luật, văn bản quy phạm pháp luật qua các nền tảng ứng dụng số. Ít nhất 80% cán bộ, chiến sĩ, báo cáo viên, tuyên truyền viên thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật được tập huấn kiến thức và kỹ năng chuyển đổi số. Đến 2030, tỉ lệ này là 90% dân số khu vực thành thị, 70% dân cư khu vực nông thôn và 100% cán bộ làm công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm cụ thể của đề án là nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, địa phương trong việc thực hiện chuyển đổi số công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Sự phối hợp đồng bộ sẽ tạo nền tảng vững chắc để thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, đồng thời bảo đảm mọi đối tượng trong xã hội có thể tiếp cận thông tin pháp lý một cách dễ dàng.
Đề án xác định việc rà soát, hoàn thiện khung pháp lý cho hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin trong phổ biến, giáo dục pháp luật là nhiệm vụ xuyên suốt. Các chính sách ưu đãi sẽ được xây dựng nhằm khuyến khích sự tham gia của tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân vào quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực này.
Chuyển đổi số sẽ góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong công tác phổ biến pháp luật. Các nền tảng số sẽ được ứng dụng để khảo sát, lấy ý kiến dư luận, thống kê và theo dõi hoạt động tuyên truyền pháp luật. Đồng thời, hệ thống cơ sở dữ liệu về đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên cũng sẽ được phát triển và tích hợp.
Đề án nêu rõ việc chuẩn hóa và số hóa dữ liệu pháp lý, bao gồm: văn bản pháp luật, tình huống pháp lý, bản án, quyết định của tòa án,... Điều này giúp người dân dễ dàng tiếp cận thông tin và nâng cao chất lượng phổ biến pháp luật. Đặc biệt, trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ được ứng dụng để xây dựng các hệ thống hỏi đáp tự động, hỗ trợ người dân, đặc biệt là các nhóm yếu thế tiếp cận thông tin pháp lý nhanh chóng, thuận tiện. Chuyển đổi số giúp tăng cường tương tác giữa Nhà nước với người dân và doanh nghiệp. Qua các nền tảng số, mạng xã hội, các cơ quan chức năng có thể phổ biến pháp luật, tổ chức đối thoại, tọa đàm trực tuyến, qua đó khuyến khích sự tham gia của cộng đồng trong thực thi pháp luật.
Đề án xác định giải pháp tăng cường hỗ trợ kỹ thuật và đào tạo cho đội ngũ cán bộ làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, đặc biệt tại vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số là yếu tố then chốt. Việc tổ chức các lớp tập huấn về công nghệ thông tin và chuyển đổi số sẽ giúp nâng cao kỹ năng, chuẩn hóa dữ liệu và đẩy mạnh số hóa tài liệu pháp lý. Qua đó, các tài liệu hướng dẫn và chương trình đào tạo sẽ được xây dựng nhằm phát triển năng lực số cho đội ngũ thực hiện nhiệm vụ này.
Bên cạnh đó, bảo đảm an toàn thông tin và an ninh mạng là yếu tố cần thiết. Các giải pháp bảo mật như mã hóa dữ liệu, xác thực người dùng sẽ được áp dụng đồng bộ để bảo vệ hệ thống khỏi các rủi ro tấn công mạng, góp phần củng cố niềm tin của người dân và doanh nghiệp khi sử dụng các nền tảng số.
Đề án chuyển đổi số trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật là bước tiến quan trọng trong cải cách hành chính và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước. Việc ứng dụng công nghệ số sẽ giúp người dân và doanh nghiệp tiếp cận thông tin pháp lý thuận tiện hơn, đồng thời góp phần nâng cao tính minh bạch và hiệu quả của công tác này. Với những giải pháp đồng bộ và thiết thực, Đề án hứa hẹn sẽ mang lại những thay đổi tích cực, thúc đẩy phát triển bền vững trong giai đoạn tới.