Đề cương tuyên truyền Kỷ niệm 110 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (05/6/1911 - 05/6/2021)
Lượt xem: 400

I. KHÁI QUÁT THÂN THẾ,  SỰ NGHIỆP CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH

Chủ tịch Hồ Chí Minh (lúc nhỏ tên là Nguyễn Sinh Cung, khi đi học tên là Nguyễn Tất Thành, hoạt động cách mạng lấy tên là Nguyễn Ái Quốc, sau đổi tên Hồ Chí Minh) sinh ngày 19/5/1890, tại làng Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.

Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh ra trong một gia đình nhà nho yêu nước, lớn lên trong tình cảnh đất nước ta bị thực dân Pháp xâm lược. Các phong trào vũ trang kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân nổi lên mạnh mẽ trong cả nước, tiêu biểu như: Trương Định, Nguyễn Trung Trực… ở Nam Bộ; Trần Tấn, Đặng Như Mai, Nguyễn Xuân Ôn, Phan Đình Phùng… ở miền Trung; Nguyễn Thiện Thuật, Nguyễn Quang Bích… ở miền Bắc. Tuy nhiên, do chưa có một đường lối kháng chiến rõ ràng, lại dựa trên ý thức hệ phong kiến, nên các phong trào trên đều thất bại. Phong trào yêu nước chống thực dân Pháp của nhân dân ta chuyển dần sang xu hướng dân chủ tư sản với sự xuất hiện của các phong trào Đông Du của Phan Bội Châu, Duy Tân của Phan Chu Trinh… nhưng cũng lần lượt thất bại.

Chứng kiến sự bóc lột, đày đọa nhân dân ta hết sức tàn bạo của thực dân Pháp; những điều tai nghe, mắt thấy về sự hy sinh xương máu to lớn của nhân dân ta nhưng không đạt mục đích giải phóng dân tộc khỏi ách nô lệ, đã để lại trong tư tưởng Hồ Chí Minh những ấn tượng sâu sắc, những nguyên nhân thành bại, nung nấu lòng căm thù và thôi thúc Người đi tìm đường cứu nước. Hồ Chí Minh không “Đông Du” theo lời khuyên của các bậc tiền bối mà chọn con đường “Tây Du” sang “mẫu quốc” và các nước đế quốc khác để “xem họ làm như thế nào để trở về giúp đồng bào”.

Khoảng đầu tháng 9/1910, trên đường từ Quy Nhơn vào Sài Gòn, tìm cách đi sang Pháp và các nước phương Tây “xem họ làm như thế nào để trở về giúp đồng bào”, Nguyễn Tất Thành dừng chân ở Phan Thiết. Người xin dạy học tại Trường Dục Thanh, một trường tư thục do các ông Nguyễn Trọng Lội và Nguyễn Quý Anh (con trai cụ Nguyễn Thông, một nhân sĩ yêu nước) thành lập năm 1907. Từ giữa tháng 9/1910 đến tháng 2/1911, Nguyễn Tất Thành dạy học ở Trường Dục Thanh (Phan Thiết - Bình Thuận).

Tỉnh Bình Thuận nằm ở cuối miền Trung, giáp ranh giữa Trung Kỳ thuộc quyền cai quản của triều Nguyễn với Nam Kỳ thuộc quyền cai trị trực tiếp của thực dân Pháp. Nơi đây hội tụ nhiều sĩ phu yêu nước lánh nạn đàn áp của thực dân Pháp và triều đình nhà Nguyễn. Trong số các sĩ phu đó có Phan Châu Trinh là người đưa ra kế sách cứu nước, trước hết phải “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”. Tán thành đường lối của ông, các vị sĩ phu yêu nước đã lần lượt lập ra Hội Liên Thành, Liên Thành Thương Quán, Liên Thành Thư xã và Trường Dục Thanh. Tên gọi Trường Dục Thanh đã nói lên mục đích và ý nghĩa của nó: Giáo dục bồi dưỡng thế hệ trẻ.

Trường Dục Thanh nằm trong khuôn viên nhà gia đình cụ Nguyễn Thông, một nhà nho yêu nước. Ông Nguyễn Quý Anh, thường gọi là ấm Bảy, con trai của cụ Nguyễn Thông, làm hiệu trưởng. Trường có bốn lớp: lớp tư, lớp ba, lớp nhì, lớp nhất. Học trò được học Hán văn, Pháp văn, Việt văn nhưng có chia ban, ban Hán văn thì học chữ Hán nhiều hơn, ban Pháp văn thì học chữ Pháp nhiều hơn. Trong thời gian dạy học ở Trường Dục Thanh, lúc đầu thầy Thành ở nhờ nhà cụ Hồ Tá Bang, sau chuyển ra ở cùng với học sinh nội trú của trường tại nhà Ngư trong vườn cụ Nguyễn Thông. Thầy được phân công dạy chữ Hán và chữ Quốc ngữ cho học sinh lớp nhì, phụ trách thể dục buổi sáng cho trường, chăm lo xây dựng tủ sách, hướng dẫn học sinh trong các hoạt động ngoại khoá của nhà trường.

Đối với thầy giáo Thành, việc dạy học chỉ là tạm thời, song anh vẫn đem hết lòng nhiệt tình truyền thụ cho học sinh lòng yêu nước và những suy nghĩ về vận mệnh của đất nước. Ngoài giờ lên lớp, thầy giáo Thành rất say mê đọc sách. Trong khu vườn của gia đình cụ Nguyễn Thông, có một ngôi nhà được cụ đặt tên là Ngoạ du sào (có nghĩa là nơi nằm đọc sách mà như là du ngoạn trong thế giới hiểu biết), trên gác chứa nhiều sách tân thư do Trung Quốc dịch sang chữ Hán; thầy Thành thường đọc sách ở đó. Chính tại đây, qua tâm thư lần đầu tiên thầy Thành có dịp tiếp cận với tư tưởng của Lư Thoa (J.J.Rousseau), Mạnh Đức Tư Cưu (Montesquieu), Phục Nhĩ Thái (Fr.Voltaire),... những văn hào và triết gia Pháp đã khởi xướng các thuyết nhân quyền, dân quyền, tự do, bình đẳng, bác ái,...

Thầy Thành còn tiếp xúc với bà con ngư dân ở bến cá Cồn Chà. Thầy thường hỏi cách đánh bắt cá, cách định phương hướng khi đi biển, cách chống say sóng, cách nhận biết những dấu hiệu của các cơn giông bão ngoài khơi.

Những ngày ở Phan Thiết, Nguyễn Tất Thành đã suy nghĩ về con đường Phan Châu Trinh vạch ra và đang được một số người có tâm huyết thực hiện: mở Liên Thành Thương quán, phát triển kinh tế để “hậu dân sinh”, lập Liên Thành Thư xã  và trường Dục Thanh để “khai dân trí”, đi diễn thuyết cổ động đồng bào để “chấn dân khí”. Nguyễn Tất Thành khâm phục lòng yêu nước của Phan Châu Trinh nhưng chưa hoàn toàn tán thành đường lối của ông.

Nguyễn Tất Thành quyết chí tìm cách ra nước ngoài, xem thế giới làm như thế nào rồi sẽ trở về giúp đồng bào. Đầu tháng 2/1911, thầy giáo Nguyễn Tất Thành rời Phan Thiết vào Sài Gòn. Anh ở tạm trụ sở các chi nhánh của Liên Thành công ty đặt tại Sài Gòn, như nhà số 3, đường Tổng đốc Phương (nay là số 5, đường Châu Văn Liêm); nhà số 128, Khánh Hội,...

Lần đầu tiên vào Sài Gòn, Nguyễn Tất Thành thấy thêm những điều mới lạ, nhất là những cảnh ăn chơi xa hoa dành riêng cho người Pháp, còn người Việt Nam đa số rách rưới, lam lũ, làm đủ các nghề nặng nhọc, kéo xe, bốc vác, ... sống chui rúc trong những túp nhà lụp xụp, tối tăm. Ở đất thuộc địa này, Nguyễn Tất Thành càng thấy rõ hơn sự đối lập giữa hai cảnh sống của bọn thực dân và những người lao động mất nước. Anh đi vào xóm thợ, làm quen với những thanh niên cùng lứa tuổi đang làm thợ hay học nghề ở Trường kỹ nghệ thực hành (École pratique d industrie), Trường đào tạo thợ máy Á Đông ở Sài Gòn (École des mécaniciens asiatiques de Saigon); anh cũng làm quen với những hiệu giặt là ở gần cảng Nhà Rồng, chuyên giặt quần áo cho các thuỷ thủ trên tàu của Pháp để xin việc làm trên tàu và tìm cách thực hiện chuyến đi xa.

Ngày 3/6/1911, Nguyễn Tất Thành, với tên mới là Văn Ba, được thuyền trưởng tàu Amiran Latusơ Tơrêvin (Amiral Latouche Tréville) của hãng Sácgiơ Rêuyni (Chargeurs Réunis) nhận vào phụ bếp trên tàu.

Ngày 5/6/1911, tàu Amiran Latusơ Tơrêvin rời bến cảng Sài Gòn đi Mácxây (Marseille), mang theo một thanh niên Việt Nam đầy lòng yêu nước, thương dân, ôm ấp một hoài bão lớn lao: tìm hiểu nền văn minh của thế giới, ra sức học hỏi để trở về giúp nước.

Ở nước ngoài, Nguyễn Tất Thành làm nhiều nghề, tham gia cuộc vận động cách mạng của nhân dân nhiều nước, đồng thời không ngừng đấu tranh cho độc lập tự do của dân tộc mình. Ngày 18/6/1919, với tên gọi Nguyễn Ái Quốc, Người đã thay mặt Hội những người Việt Nam yêu nước tại Pháp gửi tới Hội nghị Vécxây (Versailles) bản yêu sách, đòi Chính phủ các nước họp Hội nghị phải thừa nhận các quyền tự do, dân chủ và quyền bình đẳng của dân tộc Việt Nam. Năm 1920, tại Đại hội Tua, Người đã tham gia thành lập Đảng Cộng sản Pháp. Năm 1921, Người tham gia thành lập Hội Liên hiệp các dân tộc thuộc địa Pháp; năm 1922 xuất bản tờ báo Người cùng khổ ở Pháp. Năm 1923, Người được bầu vào Ban Chấp hành Quốc tế Nông dân. Năm 1924, Người tham gia Đại hội lần thứ V của Quốc tế Cộng sản và được chỉ định là Ủy viên Thường trực Bộ Phương Đông, trực tiếp phụ trách Cục Phương Nam. Năm 1925, Người tham gia thành lập Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức châu Á; xuất bản cuốn sách nổi tiếng Bản án chế độ thực dân Pháp,...

Sau gần mười năm tìm đường cứu nước, Nguyễn Ái Quốc đã đi đến nhiều châu lục, tiến hành khảo sát chủ nghĩa thực dân, đế quốc ở các nước tư bản chủ yếu và nhiều nước thuộc địa của chúng. Sớm nhận thức được xu hướng phát triển của thời đại, Nguyễn Ái Quốc là người Việt Nam đầu tiên ủng hộ Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại và tìm thấy ở chủ nghĩa Mác - Lênin con đường giải phóng của giai cấp công nhân và nhân dân các nước thuộc địa. Người nói: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc, không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”.

Để chuẩn bị cho việc thành lập Đảng của những người cộng sản Việt Nam, năm 1925, Người thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Quảng Châu (Trung Quốc) và tổ chức Cộng sản Đoàn làm nòng cốt, đào tạo cán bộ cộng sản để lãnh đạo Hội và truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam. Năm 1929, nhiều tổ chức cộng sản đã ra đời ở Việt Nam: Đông Dương Cộng sản Đảng; An Nam Cộng sản Đảng, Đông Dương Cộng sản Liên đoàn. Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã chủ trì Hội nghị thống nhất ba tổ chức cộng sản ở Việt Nam. Ngày 3/2/1930 Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập.

Từ năm 1930 - 1940, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tiếp tục hoạt động cho sự nghiệp giải phóng của dân tộc Việt Nam và các dân tộc bị áp bức khác trong điều kiện vô cùng khó khăn, gian khổ.

Năm 1941, Người về nước triệu tập Hội nghị lần thứ 8 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương (ở Pác Bó - Cao Bằng), xác định đường lối đấu tranh giải phóng dân tộc, chỉ đạo thành lập Việt Nam độc lập đồng minh Hội (Việt Minh), tổ chức lực lượng vũ trang giải phóng, xây dựng căn cứ địa cách mạng, lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa từng phần và tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thắng lợi. Ngày 2/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình, Người đọc bản Tuyên ngôn độc lập, tuyên bố thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; tổ chức Tổng tuyển cử tự do trong cả nước, bầu Quốc hội và thông qua Hiến pháp dân chủ đầu tiên của Việt Nam. Quốc hội khóa I (1946) đã bầu Người làm Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã đập tan âm mưu đen tối của các thế lực thù địch, phản động, bảo vệ và giữ vững chính quyền cách mạng.

Tại Đại hội lần thứ II của Đảng (1951), Người được bầu làm Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam chống thực dân Pháp xâm lược đã giành thắng lợi vẻ vang, kết thúc bằng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “chấn động địa cầu” (1954).

Miền Bắc hoàn toàn giải phóng, Trung ương Đảng và Hồ Chủ tịch tiếp tục lãnh đạo nhân dân ta thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược là tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước.

Đại hội lần thứ III của Đảng (1960) đã nhất trí bầu lại Chủ tịch Hồ Chí Minh làm Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam. Quốc hội khóa II, khóa III bầu Người làm Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Cùng với Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra đường lối đúng đắn lãnh đạo cuộc kháng chiến vĩ đại của nhân dân Việt Nam chống chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ; lãnh đạo sự nghiệp cải tạo xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác; đặt nền móng và không ngừng vun đắp tình hữu nghị giữa dân tộc Việt Nam với các dân tộc trên thế giới, giữa Đảng Cộng sản Việt Nam với các Đảng Cộng sản và phong trào công nhân quốc tế.

II. CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH - ANH HÙNG GIẢI PHÓNG DÂN TỘC, NHÀ VĂN HÓA KIỆT XUẤT VIỆT NAM

1. Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, chiến sĩ lỗi lạc của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế

Năm 1930, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam, đánh dấu một bước ngoặt lịch sử của cách mạng nước ta. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là lãnh tụ Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam từ miền xuôi đến miền ngược, từ Bắc chí Nam đã gắn kết thành một khối, phát huy cao độ sức mạnh của toàn dân tộc làm cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, lật đổ chế độ thuộc địa nửa phong kiến, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Nhà nước công nông, dân chủ đầu tiên ở Đông Nam Á. Ngày 2/9/1945, thay mặt Chính phủ cách mạng lâm thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập, trịnh trọng tuyên bố trước quốc dân đồng bào và toàn thế giới “Nước Việt Nam có quyền được hưởng tự do và độc lập, và thật sự đã trở thành một nước tự do độc lập”. Ngay sau khi giành độc lập, chính quyền cách mạng non trẻ của nước ta cùng một lúc phải đối mặt với “giặc đói”, “giặc dốt”, “giặc ngoại xâm”. Trong điều kiện cực kỳ khó khăn, phức tạp, thù trong, giặc ngoài “ngàn cân treo sợi tóc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra đường lối, chiến lược, sách lược lãnh đạo toàn dân tộc, chèo lái con thuyền cách mạng vượt qua cơn hiểm nghèo, bảo vệ Đảng và giữ vững chính quyền cách mạng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cùng toàn Đảng xây dựng đường lối “vừa kháng chiến vừa kiến quốc”; “thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược”; lãnh đạo nhân dân phát huy cao độ lòng yêu nước, khí phách anh hùng đánh thắng chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, xây dựng và bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, hoàn thành sự nghiệp cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là biểu tượng cao đẹp của chủ nghĩa yêu nước chân chính kết hợp nhuần nhuyễn với chủ nghĩa quốc tế vô sản. Ngay từ khi đến với chủ nghĩa Mác - Lê nin, ánh sáng chân lý của thời đại, tấm lòng của Người luôn hướng về nhân dân các dân tộc bị áp bức, chiến đấu không mệt mỏi vì một thế giới hòa bình, các dân tộc được tự do và bình đẳng, con người được sống hạnh phúc. Người đã hết lòng, hết sức xây dựng sự đoàn kết nhất trí giữa các Đảng Cộng sản anh em trên cơ sở chủ nghĩa Mác - Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản trong sáng; không ngừng vun đắp quan hệ gắn bó, hữu nghị giữa các dân tộc Đông Dương, các nước láng giềng; cống hiến xuất sắc cả về lý luận và thực tiễn cho phong trào cộng sản và phong trào giải phóng dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại là chiến sĩ quốc tế lỗi lạc, kiên cường và vô cùng trong sáng, suốt đời chiến đấu cho công bằng, hòa bình và tiến bộ của các dân tộc bị áp bức trên thế giới.

Thực hiện Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay”, Đảng ta kiên định những quan điểm có tính nguyên tắc, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trước yêu cầu mới: kết hợp chặt chẽ hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, lãnh đạo nhân dân tiến hành sự nghiệp đổi mới đất nước. Trong công cuộc đổi mới, Đảng ta đặc biệt coi trọng việc nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, không ngừng đổi mới hệ thống chính trị, xây dựng và từng bước hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền lực thuộc về nhân dân. Đổi mới vì lợi ích của nhân dân, dựa vào nhân dân, phát huy vai trò chủ động, sáng tạo của nhân dân, xuất phát từ thực tiễn, nhạy bén với cái mới; phát huy cao độ nội lực, đồng thời tranh thủ ngoại lực, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Sau hơn 20 năm đổi mới, đất nước ta đã có sự thay đổi cơ bản và toàn diện, giành được những thắng lợi to lớn và có ý nghĩa lịch. Nhận thức về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ngày càng sáng tỏ hơn. Hệ thống quan điểm lý luận về công cuộc đổi mới, về xã hội xã hội chủ nghĩa và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam đã hình thành trên những nét cơ bản. Kinh tế tăng trưởng khá nhanh; sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa được đẩy mạnh. Đời sống của nhân dân được cải thiện rõ rệt. Hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố và tăng cường. Chính trị - xã hội ổn định, quốc phòng an ninh được giữ vững. Trong quan hệ đối ngoại, Đảng ta đã xác định đường lối đối ngoại rộng mở, đa phương hoá, đa dạng hoá các quan hệ quốc tế, chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế. Việt Nam là bạn, đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế, tham gia tích cực vào tiến trình hợp tác quốc tế và khu vực. Vị thế của nước ta trên trường quốc tế không ngừng được nâng cao. Sức mạnh tổng hợp của quốc gia đã tăng lên rất nhiều, tạo ra thế và lực mới cho đất nước. Những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử đó chứng tỏ đường lối đổi mới của Đảng ta là đúng đắn và sáng tạo; con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta là phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Di chúc thiêng liêng và tấm gương đạo đức sáng ngời của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dẫn dắt toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta vượt qua khó khăn, thử thách tiến lên giành những thắng lợi vẻ vang trong sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc và công cuộc đổi mới đất nước.

2. Chủ tịch Hồ Chí Minh - Nhà văn hoá kiệt xuất Việt Nam

Những năm tháng hoạt động cách mạng ở nước ngoài, Người viết sách, báo bằng tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Nga… tiếp thu tinh hoa văn hoá phương Tây đặc biệt là tiếp thu chủ nghĩa Mác - Lênin, đỉnh cao tư tưởng nhân văn của nhân loại, nhờ đó đã kết tinh ở Người những giá trị văn hoá vừa dân tộc, vừa hiện đại. Hồ Chí Minh làm thơ chữ Hán. Văn thơ chữ Hán của Người đạt đến trình độ của bậc Hán học. Người tiếp thu tinh hoa của Nho giáo, Phật giáo… kế thừa truyền thống văn hoá phương Đông. Hồ Chí Minh đã vận dụng, phát triển và làm phong phú chủ nghĩa Mác - Lênin trên một loạt vấn đề phù hợp với thực tiễn cách mạng Việt Nam. Hồ Chí Minh nhận rõ ý nghĩa lớn lao và vị trí đặc biệt quan trọng của văn hoá, Người chỉ rõ: “Văn hoá soi đường quốc dân đi”.

Hồ Chí Minh là chiến sĩ tiên phong của nền văn học - nghệ thuật, báo chí cách mạng, đấu tranh không mệt mỏi cho độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, cho công bằng, lẽ phải trên trái đất. Dưới sự lãnh đạo tài tình của Người cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 của nhân dân ta đã thành công, giành lại độc lập cho dân tộc, đồng thời cũng đã trả lại vị trí xứng đáng cho văn hoá Việt Nam, mở ra một thời đại mới cho nền văn hoá dân tộc.

Tư tưởng Hồ Chí Minh, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh thấm sâu vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội của dân tộc Việt Nam, đã trở thành văn hoá dân tộc. Sự đóng góp của Hồ Chí Minh về văn hoá không chỉ ở phương diện lý luận mà còn thấm đượm trong toàn bộ cuộc đời và sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Người, tỏa sáng trong mỗi việc làm, từng cử chỉ, từng mối quan hệ với đồng bào, đồng chí và bạn bè quốc tế. Cái cốt lõi trong tư tưởng văn hoá Hồ Chí Minh là lòng yêu nước, thương dân, thương yêu con người, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Người đề cao lý tưởng cứu nước, cứu dân “Tổ quốc trên hết”, “Dân tộc trên hết”, “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Hồ Chí Minh quan niệm: “Ở đời và làm người là phải thương nước, thương dân, thương nhân loại đau khổ bị áp bức”. Việc gì có lợi cho dân thì phải làm cho kỳ được. Việc gì hại cho dân thì phải hết sức tránh. Đó là một nhân sinh quan, một triết lý sống rất nhân văn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cả cuộc đời cách mạng gần sáu mươi năm Người đã chiến đấu chống áp bức bất công, đem lại cuộc sống ấm no cho nhân dân, cho dân tộc, mưu cầu hạnh phúc cho nhân loại. Người đã hiến dâng cả cuộc đời cho dân tộc, cho phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Hồ Chí Minh không chỉ là một nhà tư tưởng lỗi lạc, mà còn là nhà hoạt động thực tiễn xuất sắc; không chỉ là một chính trị gia vĩ đại, mà còn là một nhà văn hoá kiệt xuất.

Các nhà nghiên cứu trong nước và thế giới đã và đang bàn đến văn hoá chính trị Hồ Chí Minh, văn hoá đạo đức Hồ Chí Minh. Thế giới có nhiều thay đổi và có nhiều đổi thay trong thế giới. Nhưng vẫn còn vẹn nguyên những giá trị không hề thay đổi. Trong những giá trị trường tồn đó có di sản tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh. Đó là: nhân đạo và hoà bình; Tổ quốc và nhân loại; dân chủ và nhân văn; tự do và hạnh phúc; tinh thần yêu nước và chủ nghĩa dân tộc chân chính; đạo đức cách mạng cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư…

Với những cống hiến xuất sắc cho dân tộc và cho nhân loại tiến bộ, năm 1990, nhân dịp kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ chí Minh, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá Liên Hợp quốc (UNESCO) đã công nhận Hồ Chí Minh là “Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hoá kiệt xuất Việt Nam”.

III. ĐẢNG BỘ VÀ NHÂN DÂN TỈNH LÀO CAI HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH

1. Những kết quả đạt được

Năm 2021, dấu mốc kỷ niệm 131 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, 110 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (05/6/1911-05/6/2021), cũng là chặng đường tròn 5 năm thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị, hướng tới kỷ niệm 63 năm ngày Bác Hồ thăm Lào Cai, đây cũng là năm đầu triển khai thực hiện nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị, trong 05 năm qua, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Lào Cai ra sức thi đua học tập và làm theo lời dạy của Bác, tạo ra sự chuyển biến tích cực trong đời sống xã hội, nhất là đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người đứng đầu các cấp.

Ngay sau khi có Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII và Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã sớm nhận thức được vai trò và tầm quan trọng đặc biệt của việc học và làm theo Bác, nhất là trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đấu tranh phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến”, "tự chuyển hóa” trong nội bộ. Vì vậy, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo thường xuyên, liên tục, ban hành 171 văn bản lãnh đạo với phương châm chủ động, sáng tạo, lựa chọn một số khâu, một số việc có tính chất trọng tâm, có điểm nhấn để tập trung thực hiện, tạo ra sự chuyển biến thật sự trong đời sống xã hội.

Trước hết, điều dễ nhận thấy ở Lào Cai đó là tinh thần chủ động, sáng tạo, chọn khâu, chọn việc để tập trung chỉ đạo, tạo ra điểm nhấn qua mỗi năm. Trước khi Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 05, Lào Cai là tỉnh đầu tiên trong cả nước đã sớm chỉ đạo ban hành một quy định riêng gồm 5 chương, 19 điều, quy định chi tiết, cụ thể yêu cầu học tập và làm theo Bác trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Để tạo ra điểm nhấn, qua mỗi năm, Tỉnh ủy đều tập trung chỉ đạo có trọng tâm, trọng điểm, cụ thể là: Năm 2018, kỷ niệm 60 năm ngày Bác Hồ thăm Lào Cai (23/9/1958-23/9/2018), 70 năm ngày Bác Hồ ra lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948-11/6/2018), tỉnh Lào Cai phát động Đợt thi đua đặc biệt, trọng tâm là nội dung "2 thạo, 3 đúng, 3 không” để chấn chỉnh lề lối, tác phong, phong cách công tác, thái độ phục vụ người dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ("2 thạo”: Thạo nghề nghiệp, thạo địa bàn; 3 đúng: Đúng chính sách, đúng thẩm quyền, đúng thời gian; "3 không”: Không vô cảm, không sách nhiễu, không né tránh). Năm 2019 kỷ niệm tròn 50 năm thực hiện Di chúc của Bác, Tỉnh ủy tập trung chỉ đạo nhiều hoạt động sôi nổi từ tỉnh đến cơ sở, cấp tỉnh tổ chức Hội thi "Tìm hiểu Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh” và Hội thảo khoa học cấp tỉnh "Lào Cai 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh”; năm 2020, Tỉnh ủy tập trung chỉ đạo nhiều hoạt động kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, cấp tỉnh mời chuyên gia Trung ương nói chuyện chuyên đề "Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc - Liên hệ với Lào Cai” phát trực tiếp trên sóng của Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh để hàng vạn cán bộ, đảng viên và nhân dân học tập; năm 2021, Tỉnh ủy chỉ đạo sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị từ tỉnh đến cơ sở, tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa kỷ niệm 131 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh phát sóng phóng sự "Học tập và làm theo Bác - Những điển hình lan tỏa” dịp sinh nhật Bác (19/5); triển khai biên soạn cuốn sách "Những tấm gương điển hình tỉnh Lào Cai trong học tập và làm theo Bác từ năm 2019 - 2020” để cổ vũ, tuyên truyền và tiếp tục nhân rộng điển hình trong xã hội.

Đổi mới việc tổ chức học tập các chuyên đề hằng năm, tỉnh mời chuyên gia cao cấp ở Trung ương truyền đạt kết hợp với truyền hình trực tiếp hoặc trực tuyến đến tận thôn, tổ dân phố để cán bộ, đảng viên và Nhân dân có điều kiện thuận lợi học tập, tiếp thu (GS.TS Hoàng Chí Bảo, GS.TS Mạch Quang Thắng, ...). Trong 5 năm qua, toàn tỉnh đã tổ chức được 3.618 hội nghị với 240.335 lượt đại biểu tham gia học tập, nhiều hội nghị sau khi kết thúc đã tổ chức viết và chấm bài thu hoạch để đánh giá kết quả học tập của đại biểu. Ngoài ra, Lào Cai cũng là một trong ít tỉnh đầu tiên trong cả nước thực hiện việc đánh giá, xếp loại việc học và làm theo Bác đối với tập thể, cá nhân (theo hai mức tốt, chưa tốt) hằng tháng, 6 tháng và hằng năm đối với mọi cán bộ, đảng viên từ tỉnh đến cơ sở. Khắc ghi lời Bác dạy "Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”, Tỉnh ủy đã chỉ đạo xuyên suốt đến cơ sở việc "Ghi danh” định kỳ hằng tháng, 6 tháng và hằng năm những mô hình mới, tập thể, cá nhân điển hình để nhân rộng. Với cách làm đó, trong 5 năm qua, Tỉnh Lào Cai đã ghi danh được 1.199 mô hình mới, tập thể và 2.322 cá nhân điển hình. Xuất phát từ chỉ dẫn của Bác "Đức là gốc của người cán bộ”, Tỉnh ủy tập trung chỉ đạo kiểm tra việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức đối với 22 tổ chức đảng và 14 đồng chí cán bộ lãnh đạo diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý; cấp huyện, cấp xã đã kiểm tra 1.416 tập thể và 4.330 cá nhân thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị. Qua kiểm tra đã kịp thời biểu dương những tấm gương sáng về học và làm theo Bác, uốn nắn những biểu hiện chưa tốt để tiếp tục tu dưỡng, rèn luyện theo cam kết.

Với tinh thần chủ động, sáng tạo, không kể giờ, không chờ việc, khâu học tập và làm theo Bác trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã tạo ra những bước chuyển thực sự. 245.859 là số lượt cán bộ, đảng viên tự giác cam kết nêu gương, tu dưỡng, rèn luyện đạo đức trong 5 năm qua (trong đó 3.208 là số lượt cán bộ chủ chốt và người đứng đầu tự giác cam kết, chiếm 14,4% tổng số lượt bản đăng ký). 8.240 chuẩn mực đạo đức đã được ban hành, khai quát thành khẩu hiệu, treo trang trọng ở trụ sở làm việc ở các địa phương, cơ quan, đơn vị để nhắc nhở cán bộ, đảng viên học tập, tu dưỡng và noi gương Bác. Toàn tỉnh đã kịp thời biểu dương khen thưởng cho 1.111 tập thể và 8.031 cá nhân, trong đó 14 tập thể, cá nhân nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Nhiều hành động nhân văn, nhân ái vì con người và cuộc sống cộng đồng đã xuất hiện phổ biến ở các địa phương, cơ sở, cơ quan, đơn vị, trường học. Không khó để nhận ra những tấm gương bình dị mà cao quý trên các lĩnh vực ngày càng tạo ra sự lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng theo phương châm "Lấy cái đẹp, dẹp cái xấu”, "Lá lành đùm lá rách”. Nhiều tấm gương y tá, bác sỹ tuyến đầu, chiến sỹ lực lượng vũ trang ngày đêm lăn sả vào trận tuyến chống dịch Covid -19 ở vùng biên ải, những điểm nóng chống dịch của tỉnh. Hàng nghìn người lao động từ Trung Quốc trở về được cách ly tập trung và chăm sóc ân cần, chu đáo, đảm bảo an toàn tuyệt đối; những cây ATM gạo tiếp tục trở thành nguồn động viên to lớn với người nghèo; giữa đại dịch, Lào Cai vẫn có cách làm sáng tạo để hàng hóa được thông quan qua cửa khẩu quốc tế, ... Và còn đó hàng chục nghìn tấm gương cao đẹp, nhân văn trên nhiều lĩnh vực của tỉnh được biểu dương, tôn vinh và nhân rộng.

Việc học tập và làm theo Bác đã tạo ra những chuyển biến tích cực trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Đến hết năm 2020, tốc độ tăng trưởng bình quân của tỉnh tiếp tục nằm ở tốp đầu khu vực Trung du và miền núi phía Bắc; thu ngân sách nhà nước đạt trên 9 nghìn tỷ đồng, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt trên 3 tỷ USD; 61/127 xã hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới; thu nhập bình quân đầu người đạt 70,6 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 8,4%; 60% xã, phường, thị trấn và 100% thôn, bản, tổ dân phố có nhà văn hóa; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) luôn được xếp ở thứ hạng cao cả nước;... Trong xây dựng chính quyền phục vụ người dân và doanh nghiệp, các cơ quan quản lý nhà nước có nhiều nỗ lực cố gắng trong việc nâng cao chất lượng phục vụ theo tinh thần Chỉ thị số 27/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. 41 thủ tục hành chính rườm rà trước đây đã được loại bỏ; 219 đầu mối, đơn vị, 159 lãnh đạo đã được tinh giảm, 2.281 cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đã được tinh giản theo tinh thần Nghị quyết 39-NQ/TW của Bộ Chính trị; hàng chục nghìn cuộc tiếp xúc, đối thoại với nhân dân và doanh nghiệp đã được thực hiện. Hầu hết các chỉ tiêu nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XV đều đạt và vượt, nhiều chỉ tiêu vượt xa so với Nghị quyết Đại hội. Để có được những kết quả đó, ngoài nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của người dân, tinh thần học và làm theo Bác chính là chất xúc tác quan trọng để tạo ra động lực tinh thần, là chất dung môi để chuyển hóa các mục tiêu nghị quyết thành hiện thực trong đời sống.

2. Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị theo Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị "về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh"; tổ chức triển khai thực hiện nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội lần thứ XIII của Đảng

Đại hội XIII của Đảng đã tổ chức thành công tốt đẹp. Thành công của Đại có ý nghĩa trọng đại, định hướng cho toàn Đảng, toàn dân tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của đảng, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2030, Việt Nam hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Để việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trên địa bàn tỉnh thời gian tới tiếp tục đi vào nền nếp, tỉnh Lào Cai đã lựa chọn một số khâu trọng tâm, trọng điểm để tập trung chỉ đạo, tạo ra bước đột phá mới trong học và làm theo Bác. Trước hết, tập trung chỉ đạo thực hiện tốt các yêu cầu theo Quy định số 28-QĐ/TU, ngày 26/3/2018 của Tỉnh ủy nhằm tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ, thực chất hơn nữa về ý thức tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, thống nhất giữa lời nói và việc làm của đội ngũ cán bộ, đảng viên; quan tâm thỏa đáng việc giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc, nổi cộm trong nhân dân, nâng cao ý thức phục vụ người dân và doanh nghiệp của đội ngũ cán bộ công chức gắn với đẩy mạnh cải cách hành chính và đề án vị trí việc làm. Quan tâm chú trọng việc phát hiện, bồi dưỡng, tuyên dương và nhân rộng điển hình tiên tiến,...

Năm 2021 tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện nghiêm túc các Chỉ thị, Kết luận của Bộ Chính trị, quy định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy liên quan đến việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đặc biệt là Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị "về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh". Tổ chức nghiên cứu, học tập, tuyên truyền triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chuyên đề hằng năm giai đoạn 2021 - 2025. Nâng cao ý thức, trách nhiệm  học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đối với công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; xây dựng văn hóa, con người thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; từ đó, mỗi tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức quyết tâm thực hiện với tinh thần nghiêm túc, tự giác, có trách nhiệm cao. Công khai kế hoạch, bản cam kết thực hiện của cấp ủy, chính quyền và người đứng đầu trong phạm vi từng địa phương, cơ quan, đơn vị làm cơ sở để cấp ủy, tổ chức đảng, đảng viên, quần chúng nhân dân kiểm tra, giám sát. Rà soát, bổ sung kết quả thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW vào tiêu chí để đánh giá tổ chức đảng, đảng viên hàng năm theo hướng cụ thể và thực chất hơn.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền các nội dung cơ bản của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; gương người tốt, việc tốt, cách làm hiệu quả; các mô hình, gương điển hình tiêu biểu trong học tập và làm theo Bác. Kịp thời động viên, biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân tiêu biểu xuất sắc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh nhằm tạo sức lan tỏa rộng khắp trong xã hội.

Cấp uỷ các cấp tiếp tục rà soát, lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết dứt điểm các vấn đề còn tồn đọng, gây bức xúc và những nhiệm vụ đột phá ở cơ quan, địa phương, đơn vị; đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu nhiệm vụ kinh tế, xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, xây dựng đảng, xây dựng hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh góp phần tích cực vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh” theo mục tiêu, lý tưởng mà Đảng, Bác Hồ đã chọn.

Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cùng với những kết quả đạt được trong 05 năm qua thật đáng trân trọng, tự hào, tuy nhiên không cho phép chúng ta tự mãn, tự bằng lòng. Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc tỉnh Lào Cai quyết tâm sẽ tiếp tục thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XVI đề ra, nhằm hiện thức hóa mục tiêu sớm đưa Lào Cai thành tỉnh phát triển của cả nước./.
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập