Thiếu rèn luyện, tu dưỡng, nhiều “quan chức” vi phạm nghiêm trọng các quy định của Đảng, Nhà nước trong công tác phòng, chống dịch Covid-19
Lượt xem: 212

Dịch Covid-19 xuất hiện ở nước ta từ đầu năm 2020 và diễn biến hết sức phức tạp, chưa có tiền lệ, trong khi lại thiếu kinh nghiệm, phương tiện phục vụ phòng, chống dịch; đặc biệt là đợt dịch thứ 4 (bắt đầu từ ngày 27/4/2021), xuất hiện tại nhiều địa phương, đơn vị với tốc độ lây lan rất nhanh, khó dự báo, đã để lại hậu quả nặng nề. Qua 04 đợt dịch, cả nước đã ghi nhận trên 11,5 triệu ca mắc, trong đó hơn 43,1 nghìn ca tử vong.

Trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ đã có nhiều chủ trương, biện pháp để lãnh đạo, chỉ đạo các bộ, ngành Trung ương, cấp ủy, chính quyền địa phương và toàn thể người dân cùng chung sức chống dịch. Trên cơ sở đó, các bộ, ngành, địa phương ban hành hàng nghìn văn bản, công điện để lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện phù hợp với thực tiễn của địa phương, đơn vị trong công tác phòng, chống dịch. Việc ban hành kịp thời các văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo đã góp phần rất lớn trong việc khống chế thành công đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, vẫn có một số văn bản được ban hành có nội dung hàm chứa lợi ích cá nhân hoặc có lợi cho doanh nghiệp có mối quan hệ “thân quen” dẫn đến chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đã bị lợi dụng làm sai, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân thu lợi bất chính trước nỗi đau, sự mất mát rất lớn của nhân dân, làm thất thoát lớn tiền, tài sản của Nhà nước, gây bất bình trong xã hội. Việc trục lợi trong khi cả thế giới và trong nước lâm vào hoàn cảnh khó khăn, chết chóc do đại dịch gây ra là điều không thể chấp nhận được, cần phải xử lý nghiêm minh.

Trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã phát hiện một số tổ chức, cá nhân vi phạm nghiêm trọng các quy định của Đảng, Nhà nước nên đã giao cho UBKT Trung ương kiểm tra, làm rõ, xử lý nghiêm minh các vi phạm với phương châm “bất kể người đó là ai”, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”. UBKT Trung ương đã kiểm tra đối với 12 tổ chức đảng, đồng thời chỉ đạo Ban Thường vụ, UBKT các tỉnh, thành ủy kiểm tra đối với tổ chức đảng, đảng viên thuộc Đảng bộ quản lý trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện phòng, chống dịch Covid-19.

Qua kiểm tra, UBKT Trung ương đã ghi nhận, đánh giá cao những nỗ lực, quyết tâm, quyết liệt của các cấp ủy, tổ chức đảng tại các bộ, ngành, địa phương, đơn vị được kiểm tra trong công tác phòng, chống dịch, góp phần kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh, phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời chỉ ra nhiều vi phạm, khuyết điểm của nhiều tổ chức, cá nhân; trong đó có một số “quan chức” là cán bộ cấp cao của Đảng, Nhà nước, cán bộ chủ chốt của một số bộ, ngành, địa phương đơn vị đã có những chỉ đạo sai trái với mục đích cá nhân. Tiếc thay, những cán bộ, đảng viên này được Đảng, Nhà nước tin tưởng lựa chọn, giao trọng trách giúp Đảng, Nhà nước, Nhân dân xây dựng và bảo vệ quốc gia nhưng lại thiếu rèn luyện, tu dưỡng, sa vào chủ nghĩa cá nhân, vì lợi ích cá nhân, vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, Nhà nước.Việc thiếu tu dưỡng, rèn luyện đã tự đánh mất mình, đánh mất khí chất của người đảng viên cộng sản. Để giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật, những cán bộ, đảng viên này đã phải nhận trách nhiệm và một hình thức xử lý thích đáng;nhiều cán bộ, đảng viên từ Trung ương đến địa phương bị cuốn vào vòng “lao lý”.

Xâu chuỗi lại quá trình chống dịch, những sai phạm được che đậy tinh vi và được giúp sức, hỗ trợ của nhiều tổ chức, cá nhân ở nhiều công đoạn, góc cạnh trong quá trình phòng,chống dịch. Câu hỏi đặt ra ở đây là, cái sai đó được bắt nguồn từ đâu?

*Từ đề xuất, tổ chức thực hiện đề tài khoa học

Học viện Quân y, Bộ Quốc phòng đề xuất và được Bộ Khoa học và Công nghệ giao chủ trì thực hiện Đề tài khoa học nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm xét nghiệm Covid-19 (đơn vị phối hợp thực hiện Đề tài là Công ty Việt Á). Tổng kinh phí Ngân sách Nhà nước đã cấp là 18,98 tỷ đồng.

Đề tài được tổ chức thực hiện và hoàn thành trong một thời gian rất ngắn. Nếu các tổ chức, cá nhân thực hiện với tinh thần, trách nhiệm cao, đảm bảo các quy định của pháp luật thì sẽ không có chuyện gì xảy ra. Nhưng khi xem xét lại hồ sơ, các cơ quan chức năng đã phát hiện sai từ việc đề xuất đặt hàng nhiệm vụ nghiên cứu, xây dựng thuyết minh, việc ký kết hợp đồng, bàn giao đến nghiệm thu đều vi phạm các quy định của pháp luật; cụ thể: Việc đề xuất đặt hàng nhiệm vụ nghiên cứu không đảm bảo hồ sơ theo quy định; nội dung đề xuất bao gồm việc chế tạo 200.000 kít chẩn đoán Covid-19 trong khi Học viện không có năng lực sản xuất thử nghiệm, quản lý dự án sản xuất. Những điều kiện cần khi xây dựng thuyết minh là phải thực hiện thẩm định, kiểm tra năng lực nghiên cứu, sản xuất và cơ sở vật chất, nguồn nhân lực, hệ thống quản lý chất lượng của Công ty Việt Á thì đều bị bỏ qua. Không những vậy, lại tự ý bàn giao quy trình kỹ thuật cho Công ty Việt Á khi chưa được nghiệm thu, đánh giá, không có ý kiến của đại diện chủ sở hữu nhà nước (Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ).Việc đề nghị và được Hội đồng đánh giá của Bộ Khoa học và Công nghệ đánh giá, nghiệm thu trong khi sản phẩm không đủ điều kiện, không đủ cơ sở khoa học và thực tiễn. Bên cạnh đó, những sai phạm trong công tác quản lý, sử dụng kinh phí thực hiện đề tài không được phát hiện, kiểm soát kịp thời dẫn đến nguy cơ thất thoát khoảng 15 tỷ đồng ngân sách Nhà nước đã chi cho Đề tài khoa học.

Sau khi đề tài hoàn thành và được nghiệm thu thì một số tổ chức, cá nhân tại Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế, Học viện Quân y, Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính lại tiếp tay, thông đồng, tạo điều kiện cho Công ty Việt Á sử dụng sản phẩm của đề tài, lấy uy tín của Học viện Quân y để hợp thức hóa các sản phẩm; được Bộ Y tế cấp phép lưu hành và ra sức tuyên truyền, đề cao vai trò, tạo dựng hình ảnh, giới thiệu sản phẩm kít xét nghiệm của Công ty Việt Á trên phương tiện thông tin đại chúng, tạo niềm tin cho các địa phương, đơn vị. Thời điểm này, Công ty Việt Á được coi như một hình mẫu, là “cứu cánh” trong việc cung cấp dịch vụ xét nghiệm, bán kít xét nghiệm; được tung hô như anh hùng trong công tác chống dịch, được các ngành đề xuất khen thưởng. Lợi dụng điều này, Công ty Việt Á đã “độc chiếm” bất hợp pháp kết quả đề tài nghiên cứu, chuyển sản phẩm nghiên cứu thuộc sở hữu Nhà nước thành sở hữu của Công ty Việt Á. Sau đó, các cơ quan quản lý đã bất chấp các quy định của pháp luật, tiếp tục thực hiện việc hiệp thương và quyết định giá bán sản phẩm của Công ty Việt Á là 470.000 đồng/kít xét nghiệm, trong khi giá thực tế được xác định chỉ là 143.000 đồng/kít xét nghiệm. Công ty Việt Á đã sản xuất số lượng lớn kít xét nghiệm và cung cấp ra thị trường, thu lợi bất chính hàng ngàn tỷ đồng, để lại hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, khó khắc phục.

Liên quan đến những sai phạm nêu trên, có nhiều đồng chí là cán bộ cấp cao, cán bộ chủ chốt của các bộ, địa phương, đơn vị, có bề dày kinh nghiệm, đã kinh qua nhiều vị trí lãnh đạo nhưng vẫn không vượt qua được cám dỗ, cạm bẫy của Việt Á; điển hình như: Ông Chu Ngọc Anh, cựu Bộ trưởng và ông Phạm Công Tạc, cựu Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; ông Nguyễn Thanh Long, cựu Bộ trưởng Bộ Y tế; ông Nguyễn Văn Hiệu, cựu Trưởng phòng Trang bị, Vật tư, Học viện Quân y; ông Hồ Anh Sơn, cựu Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Y Dược học Quân sự, Học Viện Quân y, Chủ nhiệm đề tài cùng hàng loạt cán bộ dưới quyền đã suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống; vi phạm những điều đảng viên không được làm; chỉ vì lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm mà bất chấp các quy định gây thất thoát, lãng phí ngân sách Nhà nước. Các ông Chu Ngọc Anh, Phạm Công Tạc, Nguyễn Thanh Long, Nguyễn Văn Hiệu, Hồ Anh Sơn đã bị khởi tố, bắt tạm giam và bị Khai trừ ra khỏi Đảng.

*Đến vi phạm trong việc ban hành các văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống dịch, giúp Việt Á có nguồn thu lớn

Để đưa Công ty Việt Á vào thực hiện xét nghiệm và bán sản phẩm kít xét nghiệm, một số đồng chí lãnh đạo các tỉnh đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, Quy chế làm việc; thiếu kiểm tra, giám sát, không kịp thời phát hiện, ngăn chặn các vi phạm, khuyết điểm trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của nhiều tổ chức đảng, đảng viên trong phạm vi được giao phụ trách; lợi dụng tình hình cấp bách để ban hành một số văn bản, thông báo kết luận có nội dung trái quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, giúp Công ty Việt Á thu lợi bất chính, gây thất thoát lớn ngân sách Nhà nước.Trường hợp ông Phạm Xuân Thăng, cựu Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương đã lợi dụng chức vụ quyền hạn, chủ trì hội nghị, kết luận và ban hành 03 văn bản có nội dung vi phạm quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong đấu thầu để các đơn vị cấp dưới lợi dụng những văn bản chỉ đạo này, bỏ qua các bước phải thực hiện thẩm định, phê duyệt dự toán, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, phê duyệt chỉ định thầu để ký hợp đồng với Công ty Việt Á khi đơn vị này không có chức năng, nhiệm vụ về xét nghiệm. Qua đó, giúp Công ty Việt Á thu lợi bất chính và làm thất thoát khoảng 73,9 tỷ đồng ngân sách Nhà nước. Từ việc mua bán này, Công ty Việt Á đã thỏa thuận và chuyển khoản cho Phạm Duy Tuyến, cựu Giám đốc CDC Hải Dương số tiền 27 tỷ đồng tiền “hoa hồng” tương đương khoảng 20% giá trị của 5 hợp đồng đã thanh toán. … Liên quan đến những vi phạm nêu trên, các ông Phạm Xuân Thăng;Phạm Mạnh Cường, cựu Giám đốc Sở Y tế; Phạm Duy Tuyến đã bị Khai trừ ra khỏi Đảng và bị khởi tố, bắt tạm giam.

*Vi phạm trong ký hợp đồng thực hiện xét nghiệm, sử dụng kít xét nghiệm của Công ty Việt Á

- Một số địa phương đã vi phạm quy định pháp luật về phòng chống dịch, bệnh truyền nhiễm,về đấu thầu trong việc lựa chọn Công ty Việt Á cung cấp dịch vụ xét nghiệm khi Công ty này không có chức năng thực hiện xét nghiệm.Trong khi các đơn vị Bệnh viện Bạch Mai, Trường Đại học Y Hà Nội, Trường Đại học Y tế công cộng, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương... là những đơn vị có uy tín, năng lực chuyên môn và có giá dịch vụ xét nghiệm thấp hơn hoặc không thu phí đang tham gia xét nghiệm trên địa bàn theo phân công của Bộ Y tế nhưng không được lựa chọn để tiếp tục thực hiện mà lại giao cho Công ty Việt Á thực hiện xét nghiệm và độc quyền bán kít, sinh phẩm xét nghiệm, qua đó thu lợi bất chính số tiền rất lớn.

- Đa số các địa phương đã mua kít xét nghiệm của Công ty Việt Á với giá 470.000 đồng/kít mà không tham khảo thị trường (thời điểm đó, kít xét nghiệm của Hàn Quốc chỉ có giá 305.000 đồng/kít; của Mỹ có giá 185.000 đồng/kit…). Tuy nhiên, khi các cơ quan chức năng vào cuộc và xác định giá thực tế chỉ 143.000 đồng/kítNhững vi phạm trong quá trình mua sắmkit xét nghiệm của Công ty Việt Á gây thất thoát rất lớn ngân sách Nhà nước (tại 12 địa phương, đơn vị UBKT Trung ương thực hiện kiểm tra thì đã làm thất thoát trên 162 tỷ đồng).

*Việc thực hiện các gói thầu cung ứng thuốc, mua sắm trang thiết bị y tế, kít xét nghiệm, sinh phẩm, hóa chất xét nghiệm phục vụ phòng, chống dịch bệnh Covid-19

Lợi dụng tình hình cấp thiết và nhu cầu sử dụng kít xét nghiệm của các địa phương; Công ty Việt Á đã chủ động cho các địa phương, đơn vị ứng trước kít xét nghiệm để sử dụng. Sau đó, để thanh toán cho Công ty Việt Á số kít xét nghiệm đã ứng trước, UBND tỉnh, thành phố và một số đơn vị tham mưu thực hiện việc hoàn thiện, hợp thức hồ sơ chỉ định thầu bằng cách để Công ty Việt Á sử dụng các pháp nhân trong hệ thống (công ty liên danh, công ty con…) lập hồ sơ chào hàng, xác nhận khống các báo giá để hoàn thiện hồ sơ, ký hợp đồng, thanh, quyết toán theo giá do Công ty Việt Á đưa ra cho hàng hoá đã cung ứng trước.

Từ việc mua bán này, Công ty Việt Á đã thu lợi bất chính một số tiền rất lớn (khoảng 4.000 tỷ đồng). Khi thực hiện ký kết hợp đồng với các tổ chức, Công ty Việt Á đều thỏa thuận trích hoa hồng từ 20 - 25% giá trị (khoảng 800 tỷ đồng), số tiền này được chuyển cho các cá nhân sử dụng trái pháp luật như: Giám đốc CDC Hải Dương Phạm Duy Tuyến nhận 27 tỷ đồng;Giám đốc CDC Bắc Giang Lâm Văn Tuấn và đồng phạm nhận 44 tỷ đồng; Giám đốc CDC Nam Định Đỗ Đức Lưu và đồng phạm nhận 1,25 tỷ đồng; Giám đốc CDC Khánh Hòa Huỳnh Văn Dõng đã nhận 1,9 tỷ đồng; Giám đốc CDC Hậu Giang nhận 450 triệu đồng…

* Hậu quả của những hành vi sai phạm

Có thể nói, vi phạm, khuyết điểm của các tập thể, cá nhân trong công tác phòng, chống dịch vừa qua được xác định là rất nghiêm trọng, gây dư luận xấu, có nguy cơ làm thất thoát đặc biệt lớn ngân sách Nhà nước(có nguy cơ gây thiệt hại khoảng 1.995,6 tỷ đồng, trong đó: Mua sắm của các địa phương có nguy cơ gây thiệt hại 1.907 tỷ đồng; mua sắm của một số bệnh viện có nguy cơ thiệt hại 42,1 tỷ đồng; mua sắm của các tổ chức tín dụng có nguy cơ thiệt hại 46,5 tỷ đồng), làm ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức đảng, chính quyền; nhiều tổ chức đảng, đảng viên bị thi hành kỷ luật, bị xử lý hình sự, cụ thể: Cấp ủy, tổ chức đảng đã thi hành kỷ luật có 63 tổ chức đảng (Khiển trách 43, Cảnh cáo 20), 574 đảng viên (Khiển trách 327, Cảnh cáo 145, Cách chức 34, Khai trừ 68), trong đó có 03 Ủy viên Trung ương Đảng: 01 Bộ trưởng, 01 Chủ tịch UBND thành phố trực thuộc Trung ương, 01 Bí thư Tỉnh ủy; 09 Phó Bí thư, Chủ tịch UBND và nguyên Phó Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh; 04 Thứ trưởng; 29 Tỉnh ủy viên; 03 tướng lĩnh trong lực lượng vũ trang: 02 Trung tướng, 01 Thiếu tướng; có 92 cán bộ, đảng viên bị xử lý hình sự, trong đó có nhiều đồng chí là cán bộ cấp cao.

Qua vụ việc này cho thấy, những vi phạm, khuyết điểm của các cá nhân nêu trên do nhiều nguyên nhân cả khách quan và chủ quan; tuy nhiên chủ yếu xuất phát từ việc thiếu rèn luyện, tu dưỡng, sa vào chủ nghĩa cá nhân, lợi ích nhóm, bệnh cơ hội, thực dụng của một số cán bộ, đảng viên dẫn đến bị sức cám dỗ của đồng tiền, bị danh vọng và quyền lực chi phối, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Bên cạnh đó, cũng có phần trách nhiệm của công tác đào tạo, bồi dưỡng, lựa chọn cán bộ và việc kiểm soát quyền lực. Bởi vì, khi không giữ mình, không có cơ chế hữu hiệu để kiểm soát quyền lực, cán bộ dễ dàng rơi vào vòng xoáy “tiền - quyền”. Kiểm soát quyền lực vì thế trở thành vấn đề cấp bách hơn bao giờ hết, nhất là trong bối cảnh Đảng ta đang dốc toàn tâm, toàn lực để đẩy mạnh thực hiện công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, quyết tâm xóa sạch những cán bộ, đảng viên cơ hội, biến chất trong bộ máy Đảng, Nhà nước.

Để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và đẩy lùi chủ nghĩa cá nhân, lợi ích nhóm, tham nhũng, tiêu cực trong giai đoạn hiện nay; theo chúng tôi, cần thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, việc tiếp tục kiên quyết phòng, chống chủ nghĩa cá nhân, lợi ích nhóm và các biểu hiện tiêu cực khác là nhiệm vụ có ý nghĩa sống còn đối với Đảng và chế độ ta. Do đó, mỗi cán bộ, đảng viên phải đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên lợi ích cá nhân, vượt qua những cám dỗ tầm thường, “tâm phải sáng” khi thực thi nhiệm vụ; không ngừng tu dưỡng, rèn luyện nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, biết giữ gìn phẩm chất đạo đức; phải tự giác, chủ động phòng ngừa những sai phạm, khuyết điểm; phấn đấu trở thành một tấm gương về đạo đức, lối sống, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm đối với Đảng, đất nước, nhân dân.

Cấp ủy, tổ chức đảng cần tăng cường hơn nữa công tác giáo dục, huấn luyện của Đảng đối với cán bộ, đảng viên. Tiếp tục đổi  mới nội  dung, phương pháp, hình thức dạy và học tập lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ theo hướng hiệu quả, thiết thực, gắn với thực tiễn công tác tại địa phương, đơn vị.

Hai là, các cấp ủy, tổ chức đảng cần tiếp tục phát huy dân chủ, đề cao tự phê bình và phê bình nhằm tạo sự thống nhất về ý chí và hành động, phát huy ưu điểm, sửa chữa khuyết điểm, tăng cường vai trò giám sát của nhân dân, tạo điều kiện thuận lợi để quần chúng nhân dân tham gia góp ý phê bình cán bộ, đảng viên; qua đó, góp phần phòng ngừa và đấu tranh chống mọi biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, chủ nghĩa cá nhân, lợi ích nhóm.

Ba là, tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên; chú trọng công tác tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, nhận xét, đánh giá, xử lý vi phạm; rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật về tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức. Nghiên cứu ban hành quy định thống nhất kiểm định chất lượng đầu vào; thực hiện quản lý cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm; ban hành cơ chế, chính sách phù hợp để thu hút, trọng dụng nhân tài vào phục vụ trong bộ máy cơ quan Đảng, Nhà nước. Đồng thời, kiên quyết đưa ra khỏi bộ máy những cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, vi phạm kỷ luật, không hoàn thành nhiệm vụ được giao…

Bốn là, khẩn trương nghiên cứu, tham mưu đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành, sửa đổi, bổ sung các quy định về quản lý tài sản công;các quy định liên quan đến thẩm định giá, đấu thầu, mua sắm tài sản, trang thiết bị y tế, thuốc chữa bệnh tại các cơ sở y tế công lập… vừa đảm bảo sự đồng bộ, chặt chẽ vừa dễ thực hiện và phù hợp với điều kiện thực tiễn.

Năm là, tập trung kiểm tra, giám sát đối với một số lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh sai phạm như: công tác cán bộ, kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền, chạy khen thưởng; suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; phòng chống tham ô, tham nhũng, lãng phí, “lợi ích nhóm”... Phối hợp chặt chẽ giữa UBKT và các cơ quan thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử của Nhà nước trong công tác kiểm tra, giám sát và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

THEO: TRANG TTĐT ỦY BAN KIỂM TRA TRUNG ƯƠNG
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập